Sau pha vào bóng được xem là mang tính triệt hạ của cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh (CLB Thành phố Hồ Chí Minh) khiến tiền vệ Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC) chấn thương nặng, một lần nữa, đạo đức nghề nghiệp của cầu thủ lại được gióng lên. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi cùng một số nhà chuyên môn về vấn đề này.
SHB Đà Nẵng (áo cam) trong một trận đấu tại V-League. Ảnh: ANH VŨ |
Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bóng đá Trẻ SHB Đà Nẵng Ngô Quốc Tá:
Cầu thủ phải trân trọng nghề nghiệp và tôn trọng đối phương
Có thể thấy, hiện nay, không ít cầu thủ Việt Nam chưa chuyên nghiệp, ít quan tâm đến nguy hiểm có thể gây ra cho đồng nghiệp ở phần sân đối diện. Đối với Trung tâm Đào tạo Bóng đá Trẻ SHB Đà Nẵng, một trong những mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là ngay từ đầu, giáo dục cho các cháu nhân cách trong thi đấu bóng đá, đạo đức nghề nghiệp, biết trân trọng nghề nghiệp của mình và tôn trọng đối phương. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các cháu được học văn hóa ở các trường phổ thông, trong công tác đào tạo ở các tuyến, đội ngũ HLV luôn nhắc nhở các VĐV về truyền thống bóng đá của Quảng Nam - Đà Nẵng trước kia và bóng đá Đà Nẵng hiện nay. Qua đó, từng bước xây dựng nhận thức để các cháu hiểu rằng, bóng đá Đà Nẵng luôn nói “Không” với bạo lực.
Ngoài ra, rất cần sự nghiêm khắc của đội ngũ trọng tài trong việc xử lý những hành vi vượt trên khuôn khổ Luật Bóng đá từ các giải trẻ, để uốn nắn cho các cháu ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, công tác đào tạo, giáo dục vẫn quan trọng nhất, có giá trị cơ bản để giúp các cầu thủ từng bước trưởng thành, cả trong sự nghiệp lẫn nhận thức.
Cựu tuyển thủ quốc gia Vũ Mạnh Hải:
Quyết liệt khác bạo lực
Bóng đá hiện đại ngày càng diễn ra với tốc độ cao nên cầu thủ càng dễ phạm lỗi. Nếu những tình huống phạm lỗi trước kia được bỏ qua thì nay, các cầu thủ ở các giải đấu quốc tế có vi phạm tương tự đều bị phạt thẻ. Cách điều hành như thế của các trọng tài không chỉ để bảo vệ cầu thủ mà còn giúp trận đấu hấp dẫn hơn. Ngược lại, với những tình huống tương tự, trọng tài Việt Nam vẫn cho trận đấu tiếp diễn. Điều này khiến nhiều cầu thủ ngộ nhận và dễ dẫn đến những tình huống phạm lỗi nặng hơn. Thực tế, không khó để nhận thấy, dù VPF đang cố gắng nâng tầm V-League nhưng với trình độ hiện nay của đa số trọng tài, do chưa làm tốt việc bảo vệ cầu thủ và điều hành trận đấu một cách máy móc nên vô tình tạo hiệu ứng ngược.
Để hạn chế tình trạng bạo lực sân cỏ hiện nay, trước tiên các đội bóng phải thường xuyên giáo dục cầu thủ, nắm chắc luật lệ, xây dựng phong cách chơi phù hợp và cần phân biệt được sự quyết liệt khác với bạo lực. Qua đó, từng bước giúp các cầu thủ có tinh thần thể thao chân chính. Bên cạnh đó, các trọng tài cần phải cố gắng rèn luyện, tìm hiểu và tinh thông Luật Bóng đá, bám sát trận đấu. Đồng thời, phải dũng cảm và công tâm, tránh tình trạng thiên vị đội chủ nhà để giúp các trận đấu có được kết quả chính xác nhất.
HLV Nguyễn Thành Công (CLB Quảng Nam):
Cần thi đấu với ý thức nghề nghiệp cao nhất
Là một HLV từng dẫn dắt nhiều đội bóng, tôi nhận thấy, không một đội bóng hay trung tâm đào tạo nào lại huấn luyện các cầu thủ đá xấu, có tâm thế triệt hạ cầu thủ bạn. Bóng đá là một môn thể thao mang tính đối kháng cao và trực tiếp nên đối với những cầu thủ chưa có trình độ kỹ thuật tốt, có thể dẫn đến phạm lỗi và phạm lỗi nghiêm trọng. Hơn thế nữa, môi trường bóng đá hiện nay rất khắc nghiệt, cầu thủ thường xuyên phải đối mặt với áp lực thành tích nên có thể, nhiều cầu thủ không giữ được bình tĩnh, không kiểm soát được cảm xúc và khiến đồng nghiệp bị chấn thương. Với bản thân, tôi luôn yêu cầu các học trò thi đấu đúng Luật Bóng đá với ý thức nghề nghiệp cao nhất khi vào sân.
NGUYÊN AN