1. “Tôi là một người đồng tính nam và đồng thời là một nhà vô địch Olympic”, Tom Daley, vận động viên (VĐV) đến từ Anh quốc chia sẻ trong nghẹn ngào trước báo giới, ngay sau khi anh cùng người đồng đội Matty Lee đoạt HCV môn nhảy cầu hạng mục nhảy đôi cầu cứng 10m nam hôm 26-7. Điểm số 471,81 giúp Tom và Matty vô địch sau khi đánh bại 2 VĐV của Trung Quốc (470,28 điểm). Đó là tấm HCV đầu tiên mà Tom giành được sau 4 lần tham dự Thế vận hội Olympic. Tham gia Thế vận hội từ năm 2008 tại Bắc Kinh khi chỉ mới 14 tuổi, thần đồng của làng nhảy cầu Anh quốc nỗ lực giành chức vô địch nhưng thành tích cao nhất là 2 tấm HCĐ tại các kỳ Olympic 2012 và 2016.
Sau trận đấu, các ống kính phóng viên ghi cận cảnh giọt nước mắt của Tom sau lớp khẩu trang trên bục nhận huy chương. Trên mạng xã hội, hình ảnh ấy cùng từ khóa “Tom Daley’s tears” (những giọt nước mắt của Tom Daley) nhanh chóng được chia sẻ. Đó là nước mắt thành quả của chàng trai sinh năm 1994 sau áp lực của dư luận từ một chuỗi sự kiện: Công khai mình là người đồng tính năm 2013, lập gia đình với đạo diễn Dustin Lance Black và đón bé trai đầu lòng nhờ mang thai hộ và sự chú ý từ truyền thông xứ sương mù.
HCV được chàng trai gốc Plymouth dành cho gia đình, nơi có người cha quá cố Robert Daley – người từ bỏ công việc làm điện máy để đưa con trai đi “chinh chiến” ở các đấu trường, là người không may qua đời 10 năm trước ở tuổi 40 do bệnh u não. Kế đó là người mẹ Debbie và người chồng Dustin luôn đồng hành cùng anh qua mọi chặng đường.
“Tôi tự hào là một vận động viên đồng tính, cùng với Matty, tôi đã là nhà vô địch Olympic sau 13 năm nỗ lực và điều đó chứng minh tôi có thể đạt được mọi thứ”, Tom phát biểu tại cuộc họp báo.
2. Nước mắt đã rơi trên gương mặt nữ kình ngư Kaylee McKeown (Australia) sau khi cô giành HCV và phá kỷ lục 100m bơi ngửa nữ ngày 25-7 với thành tích 57,47 giây. Trước báo giới, vận động viên 20 tuổi cho biết động lực chiến thắng chính là từ người cha quá cố Sholto McKeown.
“Tôi thấy cha vẫn ở đó, luôn ở bên tôi trong mọi hành trình. Tôi đã tập luyện trên đường đua xanh, trong ký ức về ông suốt 1 năm qua và lấy đó là động lực cho Olympic. Tôi đã nghĩ đến cha trong 50m cuối cùng của chặng đua và cha đã giúp tôi giành chiến thắng”, Kaylee xúc động nói tại buổi họp báo.
3. Ở một góc khác của Thế vận hội, nữ đô cử Hidilyn Diaz (Philippines) không giấu được cảm xúc vỡ òa khi mang về tấm HCV đầu tiên cho thể thao nước này kể từ Olympic 1924. Cô gái đến từ Zamboanga đạt thành tích tổng cử 224kg qua đó thiết lập kỷ lục mới tại Olympic. Nữ đô cử 30 tuổi rơi nước mắt ngay khi thả tạ xuống sàn.
Đó là khoảnh khắc Diaz biết mình đã đi vào ngôi đền huyền thoại của thể thao Philipines bên cạnh huyền thoại quyền Anh Manny Pacquiao, là vận động viên nữ duy nhất của nước này từng giành huy chương tại một kỳ Olympic. 5 năm trước, chính Diaz “giải cơn hạn” 20 năm cho thể thao nước nhà với tấm HCB ở Olympic Rio de Janeiro (Brazil).
“Trước giải đấu, nhiều người nói tôi không có khả năng vô địch, nhưng tôi muốn chứng minh người Philippines có thể làm được, chỉ cần có niềm tin”, Diaz chia sẻ tại cuộc họp báo. Bây giờ, ở tuổi 30 – ngưỡng cửa đi xuống về thể lực với mọi vận động viên, Diaz hiểu rằng Olympic Tokyo 2020 có lẽ là lần cuối cùng cô được xuất hiện một sân chơi thế giới. Tấm HCV và giọt nước mắt của Diaz là cái kết đẹp cho nữ đô cử kỳ cựu đến từ “quốc đảo tình yêu” của Đông Nam Á.
Thể thao không chỉ có tranh đua, ở đó còn nhiều giọt nước mắt của cảm xúc, của những câu chuyện đằng sau tấm huy chương, điều đó góp phần nâng cao tinh thần “United by Emotion” (Gắn kết bằng cảm xúc) của kỳ Thế vận hội tại xứ sở mặt trời mọc, trong mùa hè này…
XUÂN SƠN