Lần đầu tiên, trận đấu trên sân Mỹ Đình giữa Việt Nam - Úc ở vòng loại (cuối cùng, khu vực châu Á) World Cup 2022 được sử dụng công nghệ VAR. Dẫu được đánh giá cao về độ chuẩn xác, nhưng thực tế VAR đang là nỗi... ám ảnh của tuyển Việt Nam.
Trọng tài Tantashev tham khảo VAR trước khi quyết định thổi phạt đền đội tuyển Việt Nam và truất quyền thi đấu của Duy Mạnh trong trận đấu cùng đội chủ nhà Saudi Arabia vào ngày 3-9. Ảnh: Bangdaweb |
Ngay trước trận Việt Nam - Úc, các chuyên gia của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và tổ kỹ thuật tiến hành lắp đặt VAR tại sân Mỹ Đình và hoàn tất trong ngày 5-9. Theo yêu cầu của AFC, phòng chứa thiết bị VAR phải nằm gần xe màu của đơn vị truyền hình với khoảng cách tối đa là 40 mét và càng gần xe màu càng tốt. Trên sân, phải có một màn hình để trọng tài chính tham khảo lại các tình hauống nhạy cảm và được kết nối với các màn hình đặt trong phòng VAR. Sau khi được lắp đặt hoàn chỉnh, các trọng tài sẽ chạy thử nghiệm trước khi trận đấu diễn ra.
Ngoài việc lắp đặt các thiết bị công nghệ VAR, ngày 6-9, các chuyên gia của AFC cũng lắp đặt công nghệ đường biên ngang Goal-line (hay còn gọi là công nghệ mắt diều hâu). Đây là công nghệ bao gồm nhiều thiết bị, có mục đích nhận diện và phân tích dữ liệu đường đi, vị trí của bóng so với vạch vôi khung thành để xác định bàn thắng. Theo đó, có 14 camera hiện đại được lắp xung quanh sân ở các vị trí khác nhau và hướng đều về 2 mặt khung thành của 2 đội với 7 chiếc/bên. Phương tiện này giúp các trọng tài xác định được bóng đã vượt qua vạch vôi, hoặc bên trong vùng giữa cột dọc và xà ngang khung thành hay chưa.
Ở vòng loại (cuối cùng, khu vực châu Á) World Cup 2022, các trận đấu đều được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và AFC đặt ra những yêu cầu cực kỳ khắt khe về kỹ thuật. Vì thế, thiết bị VAR và Goal-line đều được áp dụng trong các trận đấu này. Dù việc áp dụng các phương tiện công nghệ hiện đại sẽ giúp cho các tình huống nhạy cảm trên sân được xác định chính xác, hạn chế được những sai sót có thể của các trọng tài nhưng VAR cũng là nỗi ám ảnh không nhỏ cho thầy trò HLV Park Hang-seo.
Tại vòng tứ kết Asian Cup 2019, VAR đã cứu cho đội tuyển Việt Nam khỏi một bàn thua trong hiệp 1, khi trọng tài không công nhận bàn thắng của Yoshida cho đội tuyển Nhật Bản do cầu thủ này để bóng chạm tay. Tuy nhiên, sau đó, cũng với sự trợ giúp của VAR, đội tuyển Việt Nam phải nhận quả phạt đền bởi sau khi tham khảo VAR, trọng tài chính xác định trung vệ Bùi Tiến Dũng phạm lỗi với Ritsu trong vùng cấm địa. Trên chấm 11 mét, Ritsu Doan ghi bàn thắng duy nhất cho Nhật Bản trong trận thắng Việt Nam ở giải đấu ấy. Mới đây nhất, ở trận mở màn của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại (cuối cùng, khu vực châu Á) World Cup 2022 trên sân Saudi Arabia, sau khi tham khảo VAR, trọng tài chính Ilgiz Tantashev đã cho đội chủ nhà được hưởng quả phạt đền và rút thẻ vàng thứ 2, truất quyền thi đấu của Duy Mạnh. Đấy cũng là bước ngoặc, dẫn đến trận thua 1-3 của đội tuyển Việt Nam...
Cần nói thêm, ngoài trận Việt Nam - Úc, 4 trận đấu khác của đội tuyển Việt Nam trên sân nhà Mỹ Đình cũng sẽ áp dụng công nghệ VAR và Goal-line, nhằm giúp các trọng tài có những quyết định chuẩn xác và công bằng. Được biết, AFC yêu cầu sân Mỹ Đình phải có máy phát điện riêng để VAR và Goal-line không gặp bất kỳ trục trặc nào trong trận đấu sắp tới.
ĐƯỜNG MINH