Thể thao

Quan tâm hơn nữa bóng đá nữ Việt Nam

08:19, 14/02/2022 (GMT+7)

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc đội tuyển nữ Việt Nam giành vé đến World Cup 2023 là cơ hội tốt để phát triển bóng đá nữ Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, cần tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề thấu đáo.

Bóng đá nữ Việt Nam cần sự quan tâm đầu tư thích đáng để phát triển xứng tầm trong thời gian đến. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Bóng đá nữ Việt Nam cần sự quan tâm đầu tư thích đáng để phát triển xứng tầm trong thời gian đến. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Ở Đông Nam Á, ngoài Thái Lan và Myanmar, lâu nay, Việt Nam là nước phát triển bóng đá nữ tốt nhất, với hệ thống giải bóng đá nữ ổn định và lâu dài nhất trong khu vực từ năm 1998 đến nay. Không những thế, hệ thống bóng đá nữ Việt Nam còn có Cúp Quốc gia và các giải đấu trẻ, điều không phải nước nào trong khu vực và thế giới có được.

Tuy nhiên, để bóng đá nữ Việt Nam phát triển tốt hơn, cần có sự tương tác tối thiểu từ các quốc gia trong khu vực hoặc châu Á. Thế nhưng, do nhiều lý do như tôn giáo và sắc tộc, nên nhiều nước không phát triển môn bóng đá nữ. Ở Đông Nam Á, từ lâu, Singapore, Brunei, Lào, Campuchia, Đông Timor và cả Indonesia đều không phát triển bóng đá nữ hoặc nếu có cũng không mấy mặn mà do phong trào không mạnh. Không những thế, 10 năm gần đây, có hai kỳ SEA Games 2011 và 2015 không tổ chức bóng đá nữ. Ngay cả SEA Games 2019 thu hút số lượng đội nữ đông nhất cũng chỉ có Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam tham gia tranh tài.

Cần nhìn nhận thẳng thắn, bóng đá nữ chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ có thể sánh ngang bằng với bóng đá nam. Cứ nhìn lượng người theo dõi World Cup sẽ thấy rõ điều này, khi World Cup bóng đá nam 2018 thu hút 3,57 tỷ người theo dõi, con số tương ứng tại World Cup bóng đá nữ 2019 chỉ chưa đến 1 tỷ người.

Vừa qua, chẳng riêng gì người hâm mộ Việt Nam lên tiếng đòi quyền bình đẳng cho các tuyển thủ bóng đá nữ khi giành vé đến World Cup 2023. Sau khi vô địch ASIAN Cup nữ 2022, đội tuyển nữ Trung Quốc cũng được người hâm mộ ủng hộ mạnh mẽ, nhất là khi đội nam Trung Quốc vừa thua Việt Nam với tỷ số 1-3 ngay ngày mồng 1 Tết Nguyên đán và không còn cơ hội tranh vé tại World Cup 2022. Nhiều người cho rằng, đội tuyển bóng đá nam có mức thu nhập hằng năm vào khoảng 785.000 USD/người, tức gấp 10 lần thu nhập trung bình của một cầu thủ nữ.

Tuy nhiên, nhật báo Sina (Trung Quốc) đặt câu hỏi: “Trong những người hâm mộ than thở về thu nhập của bóng đá nữ, có bao nhiêu trong số họ thường theo dõi giải bóng đá nữ? Bao nhiêu người đã mua vé xem một trận bóng đá nữ? Sau khi đội tuyển Trung Quốc vô địch ASIAN Cup nữ 2022, người hâm mộ cả nước cổ vũ các nữ tuyển thủ và đòi quyền lợi cho họ, nhưng liệu mấy ai biết, đội nào đã vô địch giải nữ quốc gia trong 2 năm qua?”.

Câu hỏi của Sina có lẽ cũng để dành hỏi những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, bởi thực sự có bao nhiêu người hâm mộ xứ ta bỏ tiền đến sân để xem bóng đá nữ? Thực tế, ngay giải Vô địch quốc gia nam, số lượng khán giả không cao, nên đừng quá trông mong việc khán giả đến sân theo dõi bóng đá nữ. Có thời điểm giải Vô địch bóng đá nữ quốc gia tổ chức tại sân Thống Nhất, nhưng chỉ có mỗi phóng viên duy nhất và số khán giả chưa đến 20 người có mặt trên sân xem trận đấu.

Việc khán giả không mặn mà theo dõi, kéo theo giới truyền thông không hứng thú đưa tin cho giải, chẳng mấy người quan tâm. Điều này dẫn đến việc những nhà tài trợ cũng không quá mặn mà để  “chống lưng” cho các giải đấu của nữ.

Việc giành vé đến World Cup nữ 2023 là một trong những điều kiện cần. Nhưng để bóng đá nữ Việt Nam thật sự phát triển và rút ngắn khoảng cách với các nền bóng đá nữ mạnh của châu lục và thế giới, đầu tiên là khán giả phải quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ. Từ đó, mới có thể kéo theo những sự quan tâm khác; giúp bóng đá nữ phát triển và tạo được một nền tảng vững chắc hơn cho tương lai.

ĐƯỜNG MINH

.