Mặt sân Hòa Xuân xuống cấp

.

Không phải đến bây giờ, chất lượng mặt sân Hòa Xuân mới nhận được sự quan tâm của dư luận. Suốt những năm qua, tình trạng này không được cải thiện, dẫn đến chất lượng mặt sân ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Để bóng đá Đà Nẵng phát triển và CLB SHB Đà Nẵng (áo cam) trở lại vị thế vốn có, không chỉ bắt nguồn từ chuyên môn mà việc cải tạo mặt sân Hòa Xuân để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cũng là yêu cầu cấp bách.  Ảnh: ANH VŨ
Để bóng đá Đà Nẵng phát triển và CLB SHB Đà Nẵng (áo cam) trở lại vị thế vốn có, không chỉ bắt nguồn từ chuyên môn mà việc cải tạo mặt sân Hòa Xuân để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cũng là yêu cầu cấp bách. Ảnh: ANH VŨ

Khi HLV Phan Thanh Hùng trở lại dẫn dắt đội bóng quê hương, có nhiều hy vọng và chờ đợi về một sự hồi sinh của bóng đá Đà Nẵng sau thời gian dài loay hoay với mục tiêu trụ hạng. Niềm tin ấy buổi đầu được đền đáp với một sắc diện tích cực trong lối chơi cùng sự bổ sung lực lượng, khi hàng loạt cầu thủ trẻ của Trung tâm Đào tạo Trẻ SHB Đà Nẵng được đôn lên đội hình CLB chuyên nghiệp.

Dù vậy, kết quả vẫn chưa như mong muốn, bởi trong hai trận đấu trên sân nhà Hòa Xuân, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng chỉ mới có được hai trận hòa đáng tiếc. Và thật đáng buồn khi chất lượng mặt sân là nguyên nhân chủ yếu, dẫn đến những khởi đầu không mong muốn của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng, như chính thừa nhận của nhà cầm quân này: “Ngay khi trở về dẫn dắt SHB Đà Nẵng, tôi nhận thấy chất lượng mặt sân không bảo đảm và từng đề xuất sớm cải thiện. Đáng tiếc đến thời điểm hiện tại, mọi thứ không thay đổi. Với một đội bóng có lối chơi kiểm soát bóng, phối hợp nhiều bằng bóng sệt như SHB Đà Nẵng, chất lượng mặt sân này khiến tốc độ luân chuyển bóng, chuyển đổi trạng thái bị ảnh hưởng, từ đó đối thủ có thời gian lui về phòng ngự và dĩ nhiên chúng tôi rất khó đạt kết quả như ý”.

Không chỉ HLV Phan Thanh Hùng, HLV Trần Minh Chiến (CLB Thành phố Hồ Chí Minh) hay HLV Nguyễn Thành Công (CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) đều than phiền về chất lượng mặt sân Hòa Xuân. Với mặt sân quá tệ, cả hai đội khách đều không thể triển khai lối chơi bóng ngắn dày công xây dựng mà buộc sử dụng những đường bóng bổng, chuyền dài nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng chuyên môn các trận đấu.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Nguyễn Trọng Thao cho biết, sở làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước và có văn bản nhắc nhở CLB SHB Đà Nẵng trong việc bảo quản, gìn giữ mặt sân Hòa Xuân đáp ứng yêu cầu tổ chức thi đấu. Tuy nhiên, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa có ý kiến trái chiều khi cho hay: “Vấn đề cải tạo sân bãi thuộc trách nhiệm của Sở VH&TT, chứ không phải của CLB.

Trước đó, trong quá trình cải tạo, nâng cấp sân trước khi bước vào mùa giải, Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng trang bị hai băng ghế ngồi trong khu kỹ thuật của hai đội, theo đúng tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) với trị giá hơn 300 triệu đồng. Trước tình trạng mặt sân ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn, ngày 8-3, chúng tôi có văn bản đề xuất thành phố và Sở VH&TT có kế hoạch cải tạo, làm lại mặt sân để đáp ứng tiêu chuẩn thi đấu bóng đá. Cũng cần biết, trong hai trận đấu vừa qua, không chỉ HLV các đội mà cả trọng tài, giám sát trận đấu đều có ý kiến về chất lượng mặt sân Hòa Xuân”.

Trước kia, khi phần lớn mặt sân của các sân cỏ cả nước có chất lượng không tốt cùng với việc mới đưa vào sử dụng, chất lượng mặt sân Hòa Xuân được coi có thể chấp nhận. Tuy nhiên gần đây, khi các sân Vinh, Thanh Hóa, Lạch Tray, Thống Nhất… được cải tạo mặt cỏ; đồng thời, sân Hòa Xuân xuống cấp theo thời gian, chất lượng mặt sân này trở thành đề tài được khai thác theo hướng tiêu cực.

Rõ ràng, để nâng cao chất lượng và đưa bóng đá Đà Nẵng trở lại vị thế vốn có, không chỉ bắt nguồn từ nỗ lực về chuyên môn của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng, mà còn phụ thuộc vào chất lượng mặt sân Hòa Xuân. Vì thế, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, tìm tiếng nói chung giữa thành phố và nhà tài trợ nếu muốn bóng đá Đà Nẵng trở lại đúng vị thế vốn có.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.