Một thời cùng thể thao Đà Nẵng...

.

Không hiểu vì sao tôi gắn bó với thể dục - thể thao Đà Nẵng như vậy! Chỉ biết, trong suốt những năm làm việc ở Đài Truyền hình Đà Nẵng (DVTV), dù ở Phòng Chương trình hay Phòng Thời sự, tôi cũng không tách rời mảng thể thao.

Tôi gắn với thể thao từ đời giám đốc Sở Thể dục - Thể thao của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) là chú Mai Xuân Phán, rồi đến các anh Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Lê Phong, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Nguyên Hồng… và luôn nhận sự giúp đỡ để DVTV phục vụ tốt nhất cho công chúng. Với sự hỗ trợ của Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN), chúng tôi theo chân đội bóng đá Công nhân QN-ĐN trên các nẻo đường và luôn xen lẫn niềm vui, nỗi buồn. Vui khi hoàn thành nhiệm vụ, buồn khi gặp trắc trở.

Nhớ nhất là trận đấu giữa đội Thể Công với Công nhân QN-ĐN được tổ chức trên sân Vinh (tỉnh Nghệ An), nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 4-0 nghiêng về Thể Công và một trong số những “người hùng” của Thể Công là Nguyễn Hồng Sơn, khi tiền vệ này tung hoành như “chốn không người”. Kết thúc trận đấu, khi kiểm tra băng hình, do đầu từ bị bẩn nên chỉ có thể ghi hình được 5 phút. May mắn khi chúng tôi liên hệ Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, các đồng nghiệp ở đây đã cho sang lại băng ghi hình trận đấu. Nhưng rất trớ trêu khi bàn thắng đầu tiên của Thể Công không được ghi lại, bởi bình của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An hết đúng thời điểm đó. Không những thế, do Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An lần đầu ghi hình bóng đá nên mắc nhiều lỗi kỹ thuật, song chúng tôi không còn lựa chọn nào khác.

Ngay sau khi về đến Đà Nẵng và tổ chức phát trận đấu, nhà báo A.V phải đến phim trường tường thuật lại để khán giả có thể theo dõi trọn vẹn trận đấu. Hay sau trận chung kết của đội Công nhân QN-ĐN cùng với Thể Công vào năm 1987 tại Quy Nhơn, chúng tôi trở về trong đêm, dọc đường chỉ ăn được cháo trắng và do quá mệt mỏi tất cả phải nghỉ lại… trên thành cầu ở Quảng Ngãi.

Trong thập niên 1980, 1990, dù thiết bị không hiện đại như bây giờ nhưng chúng tôi cũng nỗ lực thực hiện những buổi tường thuật bóng đá, được tổ chức trên sân Chi Lăng. Cũng trong khoảng thời gian này, chúng tôi còn theo chân đội Công nhân QN-ĐN trên mọi miền đất nước với những cộng tác viên thân thiết như nhà báo Nguyễn Đình Xê, A.V và các cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của DVTV như chú Phạm Đình Hải, Giám đốc hay anh Nguyễn Trung Thiện, chị Hoàng Trung Yên, anh Mộng Hoàng… Nhưng khó khăn nhất là việc DVTV tiếp sóng trực tiếp Đài Truyền hình Việt Nam từ Tam Đảo để phục vụ người xem, nhân giải Vô địch thế giới ESPANA 82. Do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nên không hiếm lần, việc tiếp sóng hoàn toàn thất bại dù cả ê-kíp phải thức gần như trắng đêm với hy vọng bắt được sóng phục vụ người xem.

Với cá nhân, tôi có may mắn được tham gia hai kỳ Tiger Cup đầu tiên tại Singapore (nay là AFF Cup) cùng hai kỳ SEA Games 18 ở Thái Lan (1995) và SEA Games 19 (1997) ở Indonesia. Nếu tại SEA Games 18 chỉ sử dụng camera VHS gọn nhẹ, thì đến SEA Games 19, chúng tôi phải tác nghiệp với camera Beta khá nặng. Cùng camera, chân máy, bình accu và băng… với trọng lượng không dưới 20kg, hằng ngày, chúng tôi phải liên tục di chuyển từ địa điểm thi đấu này, sang địa điểm thi đấu khác để ghi hình và kịp có tin, bài gửi về cơ quan. Ở trung tâm báo chí lúc ấy, đều có máy đánh chữ nhưng do máy không có dấu thanh như tiếng Việt; vì thế, hầu như phóng viên Việt Nam đều viết tay trước khi fax về cơ quan mình.

Nhưng bất luận thế nào, điều quan trọng với thế hệ chúng tôi là việc “giữ lửa”, dù có thể, mảng thể thao ít được coi trọng so với các lĩnh vực khác trong hoạt động báo chí. Điều đó mang lại niềm tự hào cho giới phóng viên thể thao bởi tất cả đều biết “sống” với đam mê của mình…

NGUYỄN ĐÌNH SANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích