Thể thao

Nghịch lý V-League và nỗi khổ của các câu lạc bộ

08:40, 16/03/2022 (GMT+7)

Không nói ra nhưng ai cũng biết, quãng nghỉ lên tới gần 4 tháng của giải Bóng đá vô địch quốc gia V-League 2022 cũng như giải hạng Nhất 2022 chỉ để phục vụ cho các đội tuyển quốc gia. Dĩ nhiên, các CLB phải nhận những hệ lụy đáng buồn trước cung cách điều hành của những người có trách nhiệm.

..
Với những đội đang có phong độ tốt như Hải Phòng, việc V-League 2022 bị dừng lại quá dài là điều mà HLV Chu Đình Nghiêm và các học trò không hề mong muốn. Ảnh: VFF

Trong cuộc trao đổi cùng giới truyền thông, HLV Ljupko Petrovic (Thanh Hóa) bày tỏ sự thất vọng: “Tôi năm nay hơn 70 tuổi nhưng trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chưa thấy giải đấu nào phải dừng đến hơn 3 tháng để đội tuyển quốc gia thi đấu. Ở châu Âu hay các nền bóng đá khác, cầu thủ chỉ trở về phục vụ đội tuyển quốc gia 1-2 tuần. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới bắt nhịp được giải đấu. Giờ chuẩn bị nghỉ thế này thật khó cho chúng tôi”.

Có thể, quãng nghỉ này giúp các đội đang có dấu hiệu bất ổn trong giai đoạn mở màn như: Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng hay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh… củng cố lực lượng, ổn định lối chơi. Song với những đội bóng đang có phong độ tốt và trên hết, thời gian dừng đến gần 4 tháng có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn. Trong đó, đáng kể nhất là việc tạo nên giá trị gia tăng cho hệ thống bóng đá chuyên nghiệp sẽ đối mặt với những bất cập từ cách làm đầy tính nghiệp dư của cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lẫn Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).

Nhiều ý kiến cho rằng, sau thất bại của đội tuyển tại AFF Cup 2021, áp lực thành tích đang đè nặng lên VFF, đặc biệt khi đại hội nhiệm kỳ tới diễn ra vào cuối năm nay. Đó là lý do dù bước vào tuổi 22 nhưng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn bị chi phối bởi những quyết định không mang tính chuyên môn từ các cơ quan quản lý. Điều này khác biệt với đại đa số các nền bóng đá chuyên nghiệp khi hệ thống thi đấu giải chuyên nghiệp là nền tảng phát triển đội tuyển quốc gia.

Với việc giải đấu bị kéo dài, gánh nặng tài chính đè nặng lên các CLB, như chia sẻ của Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa: “Quyết định của những người quản lý bóng đá Việt Nam hoàn toàn mang tính áp đặt. Bởi khi các CLB góp ý, ban tổ chức giải đẩy trách nhiệm sắp xếp lịch thi đấu về phía các CLB. Mặt khác, với việc giải đấu bị kéo dài, các CLB phải chịu gánh nặng tài chính không nhỏ và ước tính mỗi CLB phải tiêu tốn trung bình khoảng 2 tỷ đồng/tháng cho quỹ lương. Vì thế, chúng tôi cố gắng tính toán để bảo đảm nguồn kinh phí cho cả mùa giải…”.

Hẳn nhiên, việc phục vụ cho các đội tuyển quốc gia đòi hỏi sự chung tay của các CLB. Song có lẽ, đã đến lúc VFF và VPF cần dành nhiều sự tôn trọng hơn cho các CLB. Trong đó, phải bảo đảm sự hài hòa giữa thành tích của các đội tuyển quốc gia với hiệu quả hoạt động của các CLB. Và giải vô địch quốc gia chỉ dừng lại theo “ngày FIFA” hoặc có sự tham khảo từ các CLB nếu các đội tuyển tham dự những giải đấu quan trọng. Thực tế, sự hy sinh của V-League cho các đội tuyển mang lại những thành công cho bóng đá Việt Nam trong thời gian qua, song đó chỉ là cái lợi trước mắt. Bởi về lâu dài, điều này chỉ khiến nền bóng đá nước nhà đi xuống.

Đặc biệt, các CLB cần có lịch thi đấu khoa học, được VFF và VPF tạo điều kiện tốt để xây dựng và phát triển về chuyên môn, từng bước tự tìm được nguồn thu từ bóng đá để giảm gánh nặng cho các nhà tài trợ, cũng như chủ động hơn trong hoạt động của mình.

BẢO AN

.