Bao giờ các CLB Việt Nam "vươn ra biển"?

.

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) để thua trận đầu tiên tại vòng bảng AFC Champions League (hay còn gọi cúp C1 châu Á) 2022 trước CLB Yokohama F.Marinos (Nhật Bản). Với phong độ hiện nay, khả năng đại diện Việt Nam sớm bị loại rất cao.

Công Phượng (trái) cùng Hoàng Anh Gia Lai có khả năng bị loại sớm tại cúp C1 châu Á. Ảnh: T.N
Công Phượng (trái) cùng Hoàng Anh Gia Lai có khả năng bị loại sớm tại cúp C1 châu Á. Ảnh: T.N

Trước trận đấu này, một không khí hiếm có là xung quanh sân Thống Nhất nườm nượp khán giả xếp hàng mua vé. Sau trận đấu, đại diện CLB Yokohama F.Marinos bày tỏ sự ngạc nhiên trước không khí cuồng nhiệt của khán giả. Tuy vậy, sự cổ vũ nhiệt thành của khán giả không giúp HAGL tránh thất bại 1-2. Nhiều ý kiến cho rằng, đội khách chưa tung hết sức, nếu không tỉ số chẳng nhẹ nhàng như thế.

Ngoài chuyên môn, có một sự khác biệt rất rõ giữa hai CLB, đấy là tính chuyên nghiệp. CLB Nhật Bản mang sang 70 người với nhiều tấn trang thiết bị, trong khi HAGL lại rất tối giản. Sự lúng túng và đơn giản hóa trả giá không hề nhẹ. Vì đổi giờ tập hôm chuẩn trước trận đấu không báo cáo giám sát của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC), HAGL bị phạt 10.000 USD.

Trước đó, trong buổi họp báo vào ngày 15-4, HLV Kiatisuk Senamuang, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh cùng phiên dịch mặc áo có logo nhà tài trợ. Điều này không đúng quy định giải và đội bóng phố núi cũng sẽ phải nhận án phạt.

AFC ban hành rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe đối với các CLB chuyên nghiệp. Nhiều CLB Việt Nam từng không đáp ứng nên bị lỡ cơ hội, gây hình ảnh không tốt. Điển hình như Quảng Nam, sau khi vô địch V.League 2017, không đủ tiêu chuẩn cấp phép chuyên nghiệp nên phải nhường suất C1-2018 cho Thanh Hóa. Ngay cả đội bóng mạnh như Hà Nội, từng vào đến chung kết liên khu vực AFC Cup 2019 và vô địch V.League 2019, thế nhưng mất suất dự sân chơi AFC vì không được cấp phép chuyên nghiệp.

Lý do, Hà Nội không cử đại diện tham gia giải U15 quốc gia. CLB Thành phố Hồ Chí Minh sau đó thay thế Hà Nội dự giải. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng liên tục nhắc nhở các CLB hoàn thiện tiêu chí để cấp phép tham dự giải chuyên nghiệp. Vậy nhưng, mùa nào cũng xảy ra chuyện. Trước mùa giải 2021, có 4 CLB  ở V.League không đáp ứng tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp, trong đó có Sông Lam Nghệ An. Đấy cũng là năm thứ hai liên tiếp, Hải Phòng, Nam Định và Sông Lam Nghệ An không đạt được tiêu chuẩn cấp phép. Tuy nhiên, vẫn được đặc cách tham dự V.League 2021.

Bóng đá Việt Nam đã tiến lên V-League 22 mùa, dù vậy không CLB nào thực sự chuyên nghiệp. Ngành “công nghiệp không khói” này lẽ ra phải phồn thịnh, thông qua bán vé, chuyển nhượng, kêu gọi quảng cáo. Thế nhưng, chưa một CLB nào trong nước có lãi. Nếu các doanh nghiệp “rút ống thở”, lập tức CLB đối diện bờ vực giải thể.

Tại AFF Cup (hay còn gọi cúp C2) năm nay, ngoài Viettel một suất, suất còn lại thuộc về Quảng Ninh. Bất ngờ đội bóng đất mỏ giải thể, đôn Nam Định tham gia. Đội bóng thành Nam từ chối, chấp nhận đóng phạt để Thanh Hóa thế chỗ. Đoàn quân áo vàng của tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục từ chối vinh dự đó.

Trong quá khứ, rất nhiều CLB Việt Nam chấp nhận đóng phạt để khỏi đi đá giải C1, C2 châu Á. Số còn lại tham dự đa số bị loại sớm. Ngay cả các đại diện ưu tú như: HAGL, Đồng Tâm Long An, Bình Dương, Hà Nội, Viettel lúc cực thịnh vẫn chưa thể đưa tên tuổi CLB chuyên nghiệp Việt Nam vượt giới hạn. Một nền bóng đá muốn phát triển bền vững dứt khoát hệ thống giải chuyên nghiệp và có nhiều CLB lớn mạnh. Thái Lan đi trước chúng ta quá xa khi có đến hai CLB từng vô địch C1, một CLB vô địch C2. Tại Cup C1 năm nay, họ có đến 4 đại diện tham dự Cúp C1 châu Á là: Port FC, Buriram United, Chiangrai United, BG Pathum United. Chúng ta chỉ có mỗi HAGL.

Với một tâm thế quá coi trọng trụ hạng, ngại hòa nhập quốc tế, các CLB bóng đá Việt Nam còn phải mất nhiều thời gian mới tiệm cận các nền bóng đá tiên tiến trong châu lục.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.