Hướng đến SEA Games 31: Thông điệp từ chất lượng các tấm huy chương

.

Đoàn thể thao Việt Nam hướng tới mục tiêu giành 140 HCV, 77 HCB và 71 HCĐ để xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn. Liệu có đối thủ nào đủ sức mạnh cản bước chúng ta trên đường đua vị trí số 1? Quan trọng hơn, chủ nhà có thể lấn lướt đối phương ở các môn danh giá?

Hy vọng U23 Việt Nam sẽ vô địch tại SEA Games để thành công được trọn vẹn. Ảnh: VFF
Hy vọng U23 Việt Nam sẽ vô địch tại SEA Games để thành công được trọn vẹn. Ảnh: VFF

Đáng gờm nhất vẫn là Thái Lan

Đoàn thể thao Việt Nam có lực lượng hùng hậu với 965 VĐV (534 nam, 431 nữ) tham gia tranh tài ở 40 môn thể thao. Trong đó, đội tuyển điền kinh có lực lượng đông đảo nhất với 68 VĐV.

Đối với các đoàn thể thao khác, Thái Lan 888 VĐV, Malaysia 654 VĐV, Philippines 643 VĐV, Indonesia 541 VĐV, Singapore 474 VĐV, Myanmar 352 VĐV… Để đánh giá đối thủ, chúng ta buộc phải nhìn lại thành tích tổng thể, cùng phong độ ít nhất 4 kỳ SEA Games gần đây mới có thông số chính xác. Theo đó, Thái Lan vẫn dẫn đầu trong lịch sử các kỳ SEA Games với 1.885 HCV.

Xếp lần lượt là Indonesia 1.824 HCV; Malaysia 1.303; Philippines 1.064; Singapore 947 và Việt Nam xếp thứ 6 với 928 HCV. Tuy nhiên, kể từ năm 2003, khi Việt Nam đăng cai lần đầu SEA Games, đã có sự bứt phá ngoạn mục để lên ngôi số 1,  những đại hội sau đó liên tục trong top 3. Vậy nên, thời điểm hiện nay, trong 11 nước Đông Nam Á, đối thủ thực sự đủ sức cạnh tranh với thể thao Việt Nam ở đấu trường SEA Games vẫn chỉ là Thái Lan.

Nhóm kế đến là Indonesia, Malaysia. SEA Games gần nhất (2019), bỏ qua việc chủ nhà Phipippines nhất toàn đoàn vì họ đưa nhiều môn sở trường vào, chúng ta xếp thứ nhì nhưng chỉ hơn Thái Lan 6 HCV. Tại SEA Games 2017, Thái Lan (xếp thứ 2) hơn chúng ta đến 14 HCV.

Đến với SEA Games kỳ này, số lượng vận động viên của Thái Lan đăng ký giảm xuống còn 871, so với 900 người năm 2019. Họ đặt mục tiêu giành 100 HCV tại đại hội này, dù nhiều hơn so với SEA Games trước nhưng chắc chắn khó có thể bắt kịp chủ nhà Việt Nam. Do đó, người Thái quyết tâm nhắm đến việc bá chủ đối với các môn thể thao Olympic danh giá như điền kinh, taekondo. Ngoài ra, HCV môn bóng đá nam cũng là đích đến cuối cùng của U23 Thái Lan.

Hy vọng nhiều chiến tích “vàng ròng”

SEA Games 31 lần này là kỳ đại hội đầu tiên được tổ chức tất cả các nội dung có trong hệ thống thi đấu của ASIAD và Olympic. Chủ nhà Việt Nam quyết tâm tạo ra sân chơi công bằng, bình đẳng, cùng phát triển theo đúng như slogan của đại hội: “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”. Do đó, chất lượng những tấm huy chương mới là quan trọng.

Cụ thể, các môn đặt chỉ tiêu 5-7 HCV gồm: karate, taekwondo, judo, bắn súng, bắn cung, cử tạ, vật, đấu kiếm, quyền anh, thể hình… Các môn hướng tới giành 7-9 HCV là vovinam, thể dục dụng cụ, aerobic, wushu, đua thuyền (canoeing, rowing), pencak silat, khiêu vũ thể thao, bơi… Môn điền kinh đặt mục tiêu phá kỷ lục 16 HCV mà điền kinh Việt Nam đang nắm giữ tại SEA Games 30. Riêng môn bóng đá, Việt Nam hướng tới mục tiêu giành HCV môn bóng đá nam và nữ.

Nhưng chúng ta đừng quên rằng, thành tích ở SEA Games chưa nói lên điều gì so với dòng chảy thể thao đỉnh cao thế giới. Điển hình là Philippines tại Olympic Tokyo 2021, nước này có thành tích tốt nhất Đông Nam Á với tổng cộng 4 huy chương. Trong đó, 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Đứng thứ nhì là đoàn Indonesia với 1 HCV (cầu lông đôi nữ), 1 HCB (cử tạ hạng cân 61kg nam) và 3 HCĐ (cầu lông đơn nam, cử tạ hạng cân 73kg và 49kg nữ). Thái Lan giành 1 HCV và 1 HCĐ. Còn chúng ta… tay trắng.

Cần nhớ rằng, ngay sau SEA Games 31 là ASIAD 19 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9. Sẽ thực sự là vấn đề nếu như thể thao Việt Nam dồn toàn lực cho SEA Games mà thiếu đi sự quan tâm, đầu tư để giành thành tích tốt ở ASIAD, xa hơn là Olympic. Cho nên, tại SEA Games 31 này, các VĐV Việt Nam giành được HCV mà thành tích tiệm cận được với ASIAD và Olympic mới có thể gọi là thành công.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.