Thể thao
Khi SEA Games không có Ánh Viên
Ở 3 kỳ SEA Games gần đây, đội tuyển bơi Việt Nam đều đứng vị trí thứ 2 toàn đoàn. Đó được xem là thành công lớn của những kình ngư Việt Nam, bởi đội tuyển bơi Singapore vẫn quá mạnh so với phần còn lại của Đông Nam Á. Thế nhưng ở kỳ đại hội diễn ra trên sân nhà, đội tuyển bơi Việt Nam chỉ đề ra mục tiêu khá khiêm tốn bởi Ánh Viên không tham dự SEA Games 31.
Những gương mặt của đội tuyển bơi Việt Nam. Ảnh: N.K |
Có lẽ ngoài Ánh Viên ra, không một VĐV nào của Việt Nam đủ sức để giành 4-6 HCV. Nên việc điều chỉnh mục tiêu giành từ 11 HCV xuống còn 6-8 HCV của đội tuyển bơi Việt Nam là hợp lý ở thời điểm này. Phương án được đưa ra để khỏa lấp chỗ trống mà Ánh Viên để lại là tăng cường số lượng VĐV. Năm nay, đội tuyển bơi Việt Nam có 32 VĐV tham gia tranh tài ở đủ cả 40 nội dung.
Ở SEA Games 30, ngoài sự xuất sắc của Ánh Viên với 6 HCV, chúng ta cũng có những dấu ấn nổi bật khác. Ở nội dung nam, 3 kình ngư: Trần Hưng Nguyên, Huy Hoàng, Trần Tấn Triều mang lại kết quả ngoài mong đợi. Huy Hoàng độc chiếm cự ly trung bình và dài. Anh xác lập hai kỷ lục SEA Games mới ở nội dung 400m và 1.500m tự do. Trần Hưng Nguyên cũng nổi lên như một hiện tượng.
Ở SEA Games 30, lúc mới 16 tuổi, kình ngư quê Quảng Bình giành HCV ở hai nội dung 200m và 400m hỗn hợp trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn. Thậm chí, còn phá kỷ lục của đàn anh Nguyễn Hữu Kim Sơn ở cự ly 400m với thành tích 4:20.65. Ở cự ly bơi biển đường dài 10km, Trần Tấn Triều về nhất với thông số 1 giờ 53 phút 31 giây. HCB thuộc về Huy Hoàng với 1 giờ 55 phút 37 giây. Ngoài ra, Phạm Thanh Bảo, lúc đó 18 tuổi giành HCB ở hai nội dung 100m và 200m ếch. Anh vượt kỷ lục SEA Games ở nội dung 200m ếch nhưng vẫn xếp sau kình ngư của Thái Lan Nuttapong Ketin. Những cái tên kể trên đều được trao trọng trách giữ lại tấm HCV ở quê nhà Việt Nam.
Năm nay, Hoàng Quý Phước hay Paul Lê Nguyễn cũng được chờ đợi có sự bứt phá ở các nội dung tham dự. Kình ngư Việt kiều Paul Lê Nguyễn vừa phá 5 kỷ lục quốc gia ở giải Bơi bể 25m vừa kết thúc ở Huế vào tháng 3-2022. Trong khi đó, Hoàng Quý Phước tìm lại phong độ trong thời gian gần đây.
Ở nội dung dành cho nữ, niềm tin được đặt lên vai Phạm Thị Vân và Lê Thị Mỹ Thảo. Tuy nhiên, mục tiêu đề ra cho nội dung nữ dừng lại ở mức có huy chương. Ở tuổi 26, Mỹ Thảo là một trong những VĐV kỳ cựu ở đội tuyển bơi Việt Nam nhưng tên tuổi lại được nhắc tên khá ít, chủ yếu từ những lần chiến thắng Ánh Viên ở giải Vô địch quốc gia. Mỹ Thảo chỉ thi đấu nổi trội ở nội dung bơi bướm.
Người còn lại là Phạm Thị Vân mới chỉ 17 tuổi. Được đánh giá có tiềm năng phát triển nhưng cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào lớp trẻ, bởi có thể trở thành áp lực đối với các em. Cũng may là quyết định chia tay đội tuyển quốc gia của Ánh Viên được đưa ra từ sớm nên bộ môn có thời gian chuẩn bị các phương án thay thế. Tết Nguyên đán năm nay, các thành viên của đội tuyển bơi Việt Nam đều không nghỉ Tết mà ở lại tập luyện để bảo đảm chu kỳ tập luyện và tránh rủi ro do Covid-19 gây ra.
Hiện tại, nhóm “kình ngư” chủ chốt của tuyển bơi Việt Nam có 9 thành viên, gồm: Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Phạm Thanh Bảo, Hồ Nguyễn Duy Khoa, Ngô Đình Chuyền, Lê Thị Mỹ Thảo và Phạm Thị Vân - đang ráo riết hoàn tất chương trình tập huấn tại Hungary, dự kiến kéo dài trong hai tháng. Khoảng cuối tháng 4-2022, các tuyển thủ về nước tham dự một số giải tiền SEA Games và sau đó chính thức tranh tài tại SEA Games 31 từ ngày 14 đến 19-5.
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, tin vui hiếm hoi đến với bơi lội Việt Nam trước thềm SEA Games 31 là việc Joseph Schooling và Quah Zheng Wen không tham gia giải đấu này. Hiện tại, Schooling và Quah đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, với kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao nhiều năm, họ được quy hoạch để tranh tài ở đấu trường ASIAD và Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung. Thay thế Schooling và Quah Zheng Wen là những thành viên thuộc đội tuyển trẻ. Đây có thể là cơ hội giúp bơi lội Việt Nam tăng khả năng giành huy chương ở một số nội dung.
NAM KHANG