Thể thao
Kurash - "mỏ vàng" của đoàn thể thao Việt Nam
Ngày 10-5, môn Kurash tại SEA Games 31 chính thức khởi tranh với 4 nội dung. Trong một ngày thi đấu đúng phong độ, các VĐV Việt Nam xuất sắc giành 4 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Đáng chú ý, đây là những tấm HCV đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần này.
Kurash của Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững vị trí nhất toàn đoàn tại đại hội năm nay. Ảnh: N.K |
Khi nhắc tới Kurash, nhiều người vẫn chưa thể hình dung đây là môn thể thao gì. Bộ môn này mới chỉ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games kể từ năm 2019. Nhưng tại Việt Nam, đây không phải là môn thể thao mới vì từ năm 2009, Kurash đã được đưa vào thi đấu ở một số đại hội thể thao. Các võ sĩ của Việt Nam tập từ năm 2007 và gặt hái nhiều thành công vang dội như: đoạt HCV ở các giải thế giới, châu Á, SEA Games và mạnh nhất là ở các hạng cân của nữ.
Hiện tại, phong trào tập luyện và thi đấu Kurash ngày càng được mở rộng. Giải vô địch quốc gia Kurash 2021 có sự góp mặt của 130 VĐV đến từ 17 tỉnh, thành phố, ngành tham gia tranh tài ở 20 bộ huy chương. Chính vì vậy, Kurash hiện được xem là một trong những “mỏ vàng” của đoàn thể thao Việt Nam.
Kurash là môn vật truyền thống của người Uzbekistan. Theo tiếng Uzbek, “Kurash” có nghĩa là “hoàn thành được mục tiêu đã đề ra”. Kurash được cho có lịch sử vào khoảng 3.500 năm, xuất hiện đầu tiên tại khu vực lãnh thổ Uzbekistan hiện nay. Có 7 kỹ thuật cơ bản: supurma, cheel, kushka, yuk (yuklama), elka, bardor, yonbosh. Do đó, môn này đòi hỏi võ sĩ có kỹ thuật rất cao nếu muốn ghi điểm. VĐV thi đấu hợp lệ là động tác từ thắt lưng đối thủ trở lên.
Dù có nhiều điểm tương đồng Judo, nhưng trong Kurash vẫn có sự khác biệt nhất định. Trong một trận đấu, các võ sĩ sẽ thực hiện các đòn đánh làm ở tư thế đứng bằng các bộ phận tay, chân, hông làm cho đối phương mất thăng bằng. Nếu thực hiện những kỹ thuật cho phép như dùng tay tác động từ thắt lưng đối thủ trở lên, thì một võ sĩ giành thắng lợi. Nhưng nếu dùng tay cầm, quăng từ thắt lưng trở xuống, võ sĩ bị phạt.
Ngoài ra, Kurash không cho phép các VĐV đè đối phương xuống đất như cách thi đấu của Judo. Về thời lượng thi đấu, các võ sĩ nam thượng đài trong vòng 4 phút, các võ sĩ nữ đấu trong vòng 3 phút. Đôi bên chỉ tranh tài trong một hiệp duy nhất. Ở đấu trường khu vực, Kurash xuất hiện tại Á vận hội được tổ chức ở Jakarta và Palembang, Indonesia năm 2018. Tới SEA Games 30 được tổ chức ở Philippines, Kurash cũng có mặt lần đầu. Tại đây, có tổng cộng 10 bộ huy chương được trao. Đoàn thể thao Việt Nam xuất sắc xếp số 1 toàn đoàn khi giành tới 7 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ.
Cụ thể, như võ sĩ Trần Thị Thanh Thủy giành HCV vô cùng thuyết phục ở môn Kurash nội dung trên 70kg nữ. Hay đương kim vô địch Judo toàn quốc Hoàng Thị Tình từng giành HCV môn Kurash tại SEA Games 30 ở hạng cân 52kg. Ngoài ra, còn có tài năng trẻ Lê Đức Đông - một VĐV xuất sắc ở môn Judo cũng không có đối thủ ở hạng cân 66kg tại SEA Games 30. Ngoài ra, chúng ta hiện có: Trần Thị Thanh Thủy (hạng trên 87kg), Nguyễn Thị Lan (dưới 70kg), Vũ Ngọc Sơn (dưới 73kg), đều là những nhà vô địch SEA Games ở môn Kurash và có phong độ thi đấu ổn định. Chính vì vậy, tại SEA Games 31, các vận động viên này tràn đầy lượng để đoạt HCV, đồng thời khẳng định vị thế của mình trong môn võ cổ truyền này. SEA Games 31 có tổng cộng 10 bộ huy chương được trao ở 5 hạng cân cho nam (60kg, 66kg, 73kg, 81kg, 90kg) và 5 hạng cân dành cho nữ (48kg, 52kg, 57kg, 70kg, 87kg).
Ngay ngày thi đấu đầu tiên 10-5, các VĐV thi đấu cực tốt để thâu tóm cả 4 tấm HCV/4 nội dung thi đấu. Trước mắt, chúng ta còn 6 nội dung thi đấu và hàng loạt nhà đương kim vô địch SEA Games chưa ra quân. Chính vì vậy, hứa hẹn còn mang về nhiều tấm huy chương trong những ngày thi đấu tới. Được biết, Kurash của Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững vị trí Nhất toàn đoàn tại đại hội năm nay.
NAM KHANG