Rực rỡ điền kinh

.

Ngày thi đấu hôm qua (15-5), Việt Nam đã có cú bứt phá thần tốc với “cơn bão” HCV, trong đó nội dung tán thủ Wushu 6 HCV, khiêu vũ thể thao và điền kinh giành 5 HCV,  khiến khoảng cách tổng HCV giữa chủ nhà với đội xếp thứ nhì Thái Lan đã là gấp ba.

Nguyễn Thị Oanh đang trở thành biểu tượng mới của điền kinh Việt Nam. Ảnh: H.Đ
Nguyễn Thị Oanh đang trở thành biểu tượng mới của điền kinh Việt Nam. Ảnh: H.Đ

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình hai ngày qua tập trung đông phóng viên và người hâm mộ đến theo dõi môn điền kinh thi đấu. Đây là môn thể thao Olympic danh giá, hầu như quy tập tất cả các ngôi sao sáng của Đông Nam Á. Cũng cần nói thêm, tại SEA Games năm nay, đội tuyển điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành 15- 17 HCV trong số 47 bộ huy chương để bảo vị ngôi số 1.

Ở SEA Games 29 tại Malaysia, lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ đại hội thể thao khu vực, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã giành tới 17 HCV, gần gấp đôi Thái Lan, dù rằng chỉ tiêu trước đó đặt ra chỉ 10-12 HCV. Hai năm sau, SEA Games 30 ở Philippines, các vận động viên điền kinh của Việt Nam tiếp tục giành 16 HCV, vẫn duy trì thứ hạng số 1 trên bảng tổng sắp.

Không ngoài dự đoán, Nguyễn Thị Oanh đã dễ dàng phá kỷ lục SEA Games ở cự ly chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nữ. Cô về đích với thành tích 9 phút 52 giây 46, phá kỷ lục SEA Games 10 phút 00 giây 02 do chính bản thân lập vào năm 2019. Đây là HCV thứ ba của Oanh tại SEA Games 31 sau chiến thắng ở đường chạy 1.500m và 5.000m nữ trước đó. Nguyễn Thị Oanh đang trở thành biểu tượng mới của điền kinh nước nhà còn ở ý nghĩa chiến thắng bệnh tật, nghịch cảnh. Hình ảnh được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp trao HCV cho Oanh thực sự gây xúc động.

Một tượng đài điền kinh Việt Nam khác, Nguyễn Văn Lai cũng đã dễ dàng cán đích với thành tích 16 phút 34 giây 12, giành lại HCV SEA Games sau khi bỏ lỡ vào năm 2019. Đạt thành tích 1m72 nhảy cao nữ, Phạm Thị Diễm lần đầu giành HCV SEA Games. Trước đây, VĐV sinh năm 1990 này đã bốn lần tham dự đại hội nhưng chỉ giành 1 HCB, 3 HCĐ. Thành tích của Phạm Thị Diễm không bằng mức 1m78 cô từng đạt ở Giải điền kinh Tốc độ tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 4, nhưng đủ để cô đăng quang.

Ở nội dung nhảy xa nam, Nguyễn Tiến Trọng gặt tấm HCV quý giá với thành tích 7,80m dù bị các đối thủ Thái Lan, Indonesia đeo bám dữ dội. Trong khi đó, nội dung 400m nữ là cuộc so tài nội bộ giữa Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền. Với thành tích 52 giây 83, Nguyễn Thị Huyền đã vượt qua liền chị. Đây là HCV thứ 9 của cô gái gốc Nam Định ở đấu trường SEA Games.

Trên đường đua xanh, kình ngư Trần Nguyên Hưng đã làm dậy sóng khi giành HCV vàng bơi 400m hỗn hợp nam với thành tích bốn phút 18 giây 10, phá kỷ lục do chính anh lập ba năm trước tại Philippines (bốn phút 20 giây 65). Nguyên Hưng đã cho thấy sự tiến bộ vượt trội trong bối cảnh bơi Việt Nam đang khủng hoảng lực lượng kế cận.

Nếu như khiêu vũ thể thao đã đem về 5 HCV cho đoàn thể thao Việt Nam ở 4 nội dung điệu đơn 1 nội dung điệu Latin thì tán thủ của Wushu kết thúc nội dung này với 6 HCV, chiếm 10/21 bộ huy chương.

Như vậy, với khoảng cách huy chương quá lớn so với các đội trong top 3 hiện nay, có thể khẳng định Việt Nam sẽ chiếm giữ vị trí nhất toàn đoàn. Vấn đề còn lại là cố gắng làm sao để chất lượng các tấm HCV được cải thiện.

HỒNG ĐÀO

;
;
.
.
.
.
.