Thể thao
Rực rỡ SEA Games Việt Nam
19 năm SEA Games mới trở lại Việt Nam, dù chúng ta đã có kinh nghiệm tổ chức điều hành, nhưng Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tổ chức một trong những kỳ đại hội thể thao khu vực phải nói thành công nhất trong lịch sử.
Phần biểu diễn kết hợp công nghệ cùng với vũ đạo và tạo hình, kết thúc bởi sự hiện diện hình ảnh lá cờ của 11 nước tham dự SEA Games 31. Ảnh: TTXVN |
Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á diễn ra từ ngày 12 đến 23-5 với sự tham dự của 10.000 VĐV, huấn luyện viên, quan chức, trọng tài đến từ 11 đoàn thể thao khu vực. 40 môn thể thao (526 nội dung thi đấu) được tổ chức tại Hà Nội và 11 tỉnh/thành phố. Suốt quá trình SEA Games diễn ra, báo chí khu vực không ít lần ngợi ca chủ nhà Việt Nam đã quá “cừ” khi dẫn dắt một sự kiện lớn với số lượng người tham gia đông như thế một cách an toàn, chuyên nghiệp. Phải nói, chúng ta đã làm quá tốt. Trước hết công tác tuyên truyền, phục vụ báo chí. Trung tâm báo chí được đầu tư hết sức hoành tráng, đồng bộ với các tỉnh, thành. Các phóng viên nước ngoài đã có những trải nghiệm nghề nghiệp hài lòng, đáng nhớ. Tất cả đều có chung cảm giác đồng điệu - đến Việt Nam đưa tin về SEA Games quá thuận lợi.
Các đoàn được bố trí điều kiện ăn ở lẫn an ninh cực tốt. Nếu bạn để ý trên các báo đài, không hề thấy bất kỳ một thông tin nào kiểu như cướp, giật, “chặt chém” khách liên quan đến các thành viên dự SEA Games. Hà Nội 18 ngày đại hội như khoác thêm áo mới ở sự thân thiện, mến khách. Các tỉnh nhỏ tham gia tổ chức SEA Game cũng vậy, phải nói đời sống người dân như sôi lên. Chúng tôi lên Hòa Bình xem đua xe địa hình mà ngây ngất cùng khán giả phố núi. Hàng nghìn fan hâm mộ “cơm nắm, cơm đùm” đứng chật hai bên đường đua cổ vũ cho các VĐV. Nhờ SEA Games họ mới có những ngày hội vui vẻ đặc biệt đến thế. Tương tự, môn đua thuyền Rowing được tổ chức tại thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng), khán giả luôn chật kín khán đài.
Riêng bóng đá, sự cuồng nhiệt của khán giả Phú Thọ, Nam Định đã làm sửng sốt các đội bóng. Điều tuyệt vời là người hâm mộ bóng đá Việt Nam không chỉ cổ vũ cho đội nhà, mà còn rất công bằng với tất cả các đội.
Có lẽ trong lịch sử SEA Games, Việt Nam là chủ nhà mà đường đến ngôi vị số 1 toàn đoàn có sức thuyết phục đến thế. Điều đó cho thấy sự lớn mạnh đồng thời thể thao Việt Nam đã có sự chuẩn bị hết sức nghiêm túc về chuyên môn. Tại SEA Games, chủ trương của chúng ta là chất lượng các tấm huy chương. Thực tế, Việt Nam đã thành công vang dội (thậm chí dẫn đầu) ở nhiều môn Olympic như: điền kinh, bơi, vật, Taekwondo, đua thuyền… Điều đáng nói, không hề có sự kiện tụng, kêu ca giữa các đoàn về việc bị trọng tài xử ép như nhiều kỳ SEA Games khác. Mọi người có thể thấy sự công bằng rất rõ ở môn bóng đá. U23 Việt Nam không hề nhận được sự ưu ái nào từ trọng tài. Nếu không, làm gì chúng ta có nhiều thời điểm khó khăn đến thế.
SEA Games 31 đã khép lại với quá nhiều dấu ấn tốt đẹp về một Việt Nam đang phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực nói chung và thể thao nói riêng. Tinh thần hợp tác, đoàn kết càng được thể hiện sâu đậm giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tất cả các đoàn thể thao đều chiến thắng, đấy mới là tinh thần cao thượng của thể thao. Tấm huy chương nào cũng cao quý, dù đó không phải là nội dung danh giá. Ở các nước hiện nay, thể thao phong trào rất được chú trọng. Quá nhiều VĐV phong trào chế độ thấp, rất ít được thi đấu cọ xát đỉnh cao. Trong hoàn cảnh đó, 2 năm một lần, SEA Games đã chắp cánh cho họ để được thỏa chí với con đường đã chọn.
Mọi người hẳn không thể quên hình ảnh VĐV đầu tiên mang về HCV cho thể thao Việt Nam, nữ võ sĩ Kurash Tô Thị Trang. Khi cô vừa đoạt HCV thì nhận thông báo người cha thân yêu vừa qua đời vì căn bệnh ung thư, làm nhà vô địch khóc òa. Trang đã vội về nhà và kịp đặt lên tay cha tấm HCV mà phụ thân luôn khao khát cho cô con gái yêu.
Vẻ đẹp của SEA Games còn là thế. Tạm biệt và tự hào Việt Nam đã tổ chức thành công một kỳ đại hội thật tuyệt vời!
MỘC MIÊN