Thành phố luôn quan tâm, đầu tư phát triển bóng đá trẻ

.

ĐNO - Chiều 31-8, Sở Văn hóa và Thể thao thông tin một số nội dung liên quan đến công tác đào tạo các tuyến bóng đá trẻ thành phố.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, vừa qua, một số phương tiện thông tin, truyền thông, báo chí đưa tin cho rằng, việc đội tuyển U17 SHB Đà Nẵng không tham dự vòng chung kết U17 quốc gia 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh một phần do thành phố không quan tâm đến công tác đào tạo bóng đá trẻ là nhận định hoàn toàn không chính xác và không đúng bản chất.

Việc không tham dự vòng chung kết U17 quốc gia 2022 của đội tuyển U17 SHB Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của CLB bóng đá SHB Đà Nẵng; đồng thời kinh phí tham gia thi đấu của đội tuyển U17 SHB Đà Nẵng không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.

Từ năm 2008, bóng đá thành phố có sự thay đổi bước ngoặt trong công tác xã hội hóa. Toàn bộ cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, nhà ở vận động viên tại Làng Thể thao Tuyên Sơn với hơn 41.513m2 và 35ha (tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), cùng các phương tiện xe đưa đón, các đội tuyển... được chuyển giao hoàn toàn cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) để phát triển mô hình bóng đá chuyên nghiệp theo hợp đồng số 05/UBNDTPĐN-SHB ngày 13-11-2007 giữa UBND thành phố và SHB.

Đến năm 2016, SHB đặt vấn đề với thành phố đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo các tuyến bóng đá trẻ. Tại buổi làm việc, Thường trực Thành ủy và lãnh đạo SHB thống nhất chủ trương “đặt hàng đào tạo các tuyến bóng đá trẻ cho CLB bóng đá SHB Đà Nẵng với mức 20 tỷ đồng/năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2017”.

Tổng cộng giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, ngân sách thành phố chi cho công tác đào tạo trẻ là 56,485 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, bóng đá thành phố nói chung và bóng đá trẻ nói riêng luôn nhận được sự quan tâm và đầu tư của thành phố.

Trong quá trình triển khai thực hiện việc hỗ trợ này, tại thông báo kết luận năm 2018, 2019 của Kiểm toán Nhà nước khu vực III có nêu: “Việc thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp đã được xã hội hóa (CLB bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng) là không có căn cứ, không gắn với nhiệm vụ, chưa phù hợp quy định của khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước” và yêu cầu chấm dứt việc hỗ trợ này.

Vì vậy, từ năm 2021, thành phố tạm dừng việc chi kinh phí cho công tác đào tạo bóng đá trẻ để xây dựng đề án phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đặc biệt đúng với các quy định về quản lý tài chính, ngân sách của Nhà nước.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp để tham mưu lãnh đạo thành phố trong công tác đào tạo lực lượng bóng đá trẻ kế cận và phát triển phong trào bóng đá thành phố; tạo nên một nền bóng đá giàu thành tích, đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ, phù hợp với xu thế phát triển của bóng đá hiện đại và đúng các quy định pháp luật của Nhà nước.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.