Thể thao
Thảm kịch sân cỏ ở Indonesia: Cú sốc đối với bóng đá thế giới
Bóng đá Indonesia đang ở vào những thời khắc tăm tối nhất sau thảm kịch diễn ra tại sân Kanjuruhan. Như một lời cảnh tỉnh khiến tất cả thế giới bóng đá phải “giật mình” và nghiêm túc xem xét lại công tác an ninh vốn ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Bóng đá Indonesia đang ở vào những thời khắc tăm tối nhất sau thảm kịch diễn ra tại sân Kanjuruhan. Ảnh: Reuters |
Vụ bạo loạn kinh hoàng trên sân Kanjuruhan khiến ít nhất 174 người thiệt mạng và 180 người khác bị thương. Thảm kịch xảy ra sau khi trận đấu giữa đội bóng Arema và Persebaya Surabaya kết thúc với tỷ số 2-3 nghiêng về đội khách vào ngày 1-10. Các cổ động viên đã tràn xuống sân cỏ, buộc cảnh sát phải triển khai lực lượng chống bạo động để giải tán bằng hơi cay khiến đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở. Sau đó, các cổ động viên còn đụng độ với cảnh sát ở cả trong và ngoài sân Kanjuruhan. Hơn một chục xe cảnh sát đã bị đốt cháy, phá hủy bên ngoài sân.
Chứng kiến những gì đang diễn ra với bóng đá Indonesia suốt 24 giờ qua, cả Đông Nam Á và toàn thế giới chỉ còn biết ngỡ ngàng. Ít ai ngờ, màn so tài giữa Arema FC và Persebaya trên sân vận động Kanjuruhan lại là khởi đầu cho một bi kịch trong lịch sử bóng đá xứ vạn đảo. Một ngày buồn của bóng đá Indonesia, đồng thời là lời cảnh báo thực sự với các nền bóng đá khác trên thế giới về chuyện an ninh sân cỏ.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia Zainudin Amali cho hay, trên thực tế, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã có quy định cấm sử dụng hơi cay trong các trận bóng đá. Vì thế, ông đã yêu cầu một số cơ quan liên quan tiến hành điều tra toàn diện về vụ bạo loạn sân cỏ này, đồng thời nói rõ không muốn nền bóng đá Indonesia một lần nữa bị sụp đổ do các vấn đề ngoài kỹ thuật.Tổng thống Indonesia chỉ thị Cảnh sát trưởng quốc gia tiến hành cuộc điều tra toàn diện về thảm kịch.
Ngày 2-10, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino cho rằng vụ giẫm đạp tại sân vận động ở Indonesia là “cú sốc” đối với bóng đá thế giới, và ngày xảy ra thảm kịch là “ngày đen tối” đối với thể thao.
Trong khi đó, truyền thông Indonesia lo ngại rằng FIFA sẽ có những biện pháp trừng phạt mạnh tay với nước này sau thảm kịch nói trên và trong trường hợp xấu nhất, nước này có thể đối mặt với việc bị tước quyền đăng cai vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới U20 vào năm sau.
Thảm họa trên khiến thế giới phải chiêm nghiệm lại những bi kịch từng xảy ra với môn thể thao vua. Ngày 11-5-1985, đội Bradford City đoạt ngôi vô địch giải Ngoại hạng Anh. Để chúc mừng thắng lợi, người dân địa phương tổ chức ăn mừng bằng một giải đấu hữu nghị. Giữa buổi thi đấu, khán đài đột nhiên bốc cháy. Hậu quả 56 người chết tại chỗ và 265 người khác bị thương.
Thảm họa Heysel xảy ra tại sân Anfield ở Bỉ vào ngày 28-5-1985 khi trận chung kết Cúp C1 diễn ra. 39 CĐV (trong đó có 32 người Italia, 4 người Bỉ, 2 người mang quốc tịch Pháp và 1 người đến từ Bắc Ireland) đã thiệt mạng. Ngày 15-4-1989, tại sân Hillsborough (Anh) diễn ra trận bán kết Cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest. Sự quá tải đã khiến 96 người thiệt mạng, trong khi 766 người khác bị thương.
Ngày 16-4-2001, tại sân vận động Ellis Park tại Johannesburg (Nam Phi) diễn ra trận derby giữa hai đội Kaizer Chiefs và Orlando Pirates. Sức chứa tối đa của Ellis Park là 70.000 người, song có tới 120.000 tấm vé được bán ra. Nửa giờ trước khi trận đấu bắt đầu, sân vận động chật ních nhưng dòng người vẫn tiếp tục đổ vào. Cảnh sát buộc phải khóa trái cửa nhưng cổ động viên vẫn tụ tập đông đúc ở bên ngoài và cực kỳ tức giận. Khi tiếng loa truyền thanh thông báo đội chủ nhà sút tung lưới, đám đông bên ngoài trở nên kích động, “điên cuồng” tìm cách xô đổ cửa để vào trong. Cánh cửa sập xuống, những người ngã theo lập tức bị giẫm đạp lên. 47 người thiệt mạng, trong khi hơn 160 người bị thương.
Ngày 6-5-2001, một mái che sân vận động ở thành phố Surrey (Iran) bất ngờ sập xuống làm 15 người chết và hơn 100 người bị thương. Ngày 29-3-2009, ít nhất 22 CĐV đã thiệt mạng và 132 người khác bị thương khi một bức tường trên SVĐ ở thủ đô Abidjan (Bờ Biển Ngà) đổ sập xuống trước trận đấu giữa Bờ Biển Ngà và Malawi, thuộc khuôn khổ vòng loại World Cup 2010...
Điểm lại những thảm họa kinh hoàng ấy, chúng ta chợt nhận ra rằng, mỗi nền bóng đá phải chung sức để đưa bóng đá thoát khỏi bóng ma của bạo lực, của những holigan. Đồng thời, các khán giả cần học cách xây dựng nền bóng đá lành mạnh, mang lại niềm vui, sự hứng khởi cho mọi người và tránh tối đa cay cú ăn thua. Có như vậy bóng đá mới thực sự xứng với ngôi vị cao nhất của nó - môn thể thao vua.
MỘC MIÊN
Liên đoàn bóng đá Việt Nam chia buồn Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến Liên đoàn bóng đá Indonesia sau khi xảy ra bạo loạn kinh hoàng tại Indonesia. Ông Trần Quốc Tuấn, Quyền chủ tịch VFF đã gửi lời chia sẻ nỗi đau lớn này với Liên đoàn bóng đá Indonesia và các lãnh đạo cao nhất của bóng đá Indonesia cũng như gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến các nạn nhân trong sự cố đáng tiếc ở sân Kanjuruhan. Quyền chủ tịch VFF cho biết đây là một câu chuyện thương tiếc cho bóng đá Indonesia nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. (TTXVN) |