Thể thao

Hãy cổ vũ cho khát vọng...

08:50, 22/11/2022 (GMT+7)

Qatar đã đi vào lịch sử 92 năm của World Cup khi là đội chủ nhà đầu tiên để thua trận khai mạc.

Qatar (áo đỏ) thi đấu ở đấu trường World Cup. Ảnh: M.M
Qatar (áo đỏ) thi đấu ở đấu trường World Cup. Ảnh: M.M

Có thể, với những gì đã thể hiện sau trận thua 0-2 trước Ecuador, Qatar sẽ còn lập những kỷ lục buồn nữa. Hình ảnh nhiều khán giả chủ nhà bỏ về khi tỷ số đang là 0-2 nghiêng về Ecuador, cũng thể hiện giới hạn trình độ, sự nồng nhiệt trong việc thưởng lãm bóng đá của người dân đất nước “nhìn đâu cũng thấy tỷ phú”, so với các nền bóng đá đỉnh cao thuộc nhóm 1.

Người ta thường bảo bóng cũng như cuộc sống, gia đình nào giàu có hay bị soi đủ thứ. Ngay chính cái cách họ vận động để giành được quyền đăng cai World Cup đã nhuốm dư vị đồng tiền, nhiều quan chức FIFA bị vướng bê bối. Với 12 năm chuẩn bị, Qatar đã đổ 220 tỷ USD vào các dự án hạ tầng, chi phí vượt xa 7 kỳ World Cup gần nhất cộng lại.

Về bóng đá, cũng chừng ấy thời gian họ đầu tư quá lớn cho đội tuyển. Nhiều học viện bóng đá trong và ngoài nước mọc lên. Họ gửi những cầu thủ giỏi nhất sang các nền bóng đá hàng đầu, cho đội tuyển quốc gia đi du đấu trong thời gian dài. Tóm lại, đấy là một đội bóng “gà nòi”, chỉ để phục vụ giấc mơ World Cup 2022.

Thế nhưng, tiền  không thể quyết định tất cả, kể cả là đất nước rộng lớn có dân số đông. Đẳng cấp  một nền bóng đá dựa trên nền tảng gồm: tố chất chơi bóng của người dân có tỷ lệ cao; đã nhiều lần tham gia các đấu trường lớn; có bề dày lịch sử bóng đá. Uruguay dân số chỉ 3,3 triệu người, Croaia 4,2 triệu, Bồ Đào Nha 10 triệu, Bỉ 11 triệu, Hà Lan 16…, nhưng họ hội tụ các phẩm chất trên. Qatar dân số dưới 3 triệu người nhưng lại thiếu nhiều yếu tố cấu thành nền bóng đá lớn.

Xem Qatar đá với Ecuador, khán giả Việt Nam không lạ khi 1/3 đội hình đó từng thua U23 Việt Nam tại bán kết VCK U23 châu Á năm 2018. Đội tuyển Việt Nam đã nhiều lần gây khó khăn với đội tuyển Qatar.

Từ AFF Cup, SEA Games, châu lục đến World Cup là con đường thiên lý. Ở đó, ngay cả các quốc gia từng nhiều lần tham dự World Cup như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arab, Iran cũng còn bị “ngộp thở”. Thành tích tốt nhất của bóng đá châu Á là việc Hàn Quốc lọt đến bán kết World Cup 2002. Nhưng nên nhớ, đấy là năm họ và Nhật Bản là chủ nhà đăng cai,  vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi. Kể từ đó, các đại biểu châu Á xác lập được vị thế “ngựa ô” đã là hiếm.

Lần thứ hai World Cup tổ chức tại châu Á, và là  lần đầu tiên châu lục có sự tham dự đông nhất với 6 gương mặt: Qatar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arab  và Australia. Cũng như tiền lệ, chúng ta chỉ mong sao trong số này có một đại diện tỏa sáng, để truyền cảm hứng cho cả châu Á, trong cuộc trường chinh hội nhập với bóng đá thế giới.

Hiện đã có rất nhiều cầu thủ châu Á thành danh ở các CLB châu Âu. Đấy là những người “đi mở cõi”. Về cơ bản, bóng đá châu lục cũng đã có sự phát triển đáng ghi nhận, cần sự kiên nhẫn, bền bỉ phấn đấu. Ngay cả đội tuyển Việt Nam, giấc mơ dự World Cup đã đến gần khi số lượng đội được FIFA tăng lên. Có mấy ai nghĩ thầy trò HLV Park Hang-seo lại lọt đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022.

Chỉ lưu ý rằng, đoạt vé dự World Cup và chơi hiên ngang, sòng phẳng ở đấu trường này là hai vấn đề khác nhau. Đừng khóc cho Qatar, thay vào đó hãy tiếp tục ghi nhận, cổ vũ cho những khát vọng của họ, cũng là khát vọng châu Á.

MỘC MIÊN

.