Thể thao

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 9: Hướng đến tầm cao mới

08:24, 07/11/2022 (GMT+7)

Hôm qua (6-11), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 9 (2022-2026). Có thể nói, trong nhiệm kỳ 5 năm qua, VFF đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, tạo tiền đề để bóng đá Việt Nam (BĐVN) thăng hoa trong giai đoạn mới.

Ông Trần Quốc Tuấn (thứ hai, bên trái sang) là tân Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 9. Ảnh: M.M
Ông Trần Quốc Tuấn (thứ hai, bên trái sang) là tân Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 9. Ảnh: M.M

Một “nhiệm kỳ vàng”

VFF vừa khép lại một nhiệm kỳ vô cùng rực rỡ. Trong 5 năm qua, BĐVN đã chinh phục nhiều thành tích mang dấu ấn lịch sử. Điển hình như đội tuyển futsal 2 lần có mặt ở vòng chung kết (VCK) World Cup. Đội tuyển nữ đã có mặt ở VCK World Cup 2023. U23 Việt Nam đạt ngôi á quân VCK U23 châu Á năm 2018. Bên cạnh đó, đội tuyển nam lần đầu tiên tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Chiến thắng 3-1 trước đội tuyển Trung Quốc trên sân Mỹ Đình, trận hòa 1-1 trên sân khách trước Nhật Bản đã tạo được tiếng vang rất lớn. Qua những sự kiện này, có thể thấy BĐVN ngày càng đến gần hơn với việc tiếp cận trình độ của các đội bóng hàng đầu châu lục.

Một trong những thành tích khiến người hâm mộ mong mỏi nhất là việc Việt Nam đã giành được HCV bóng đá nam tại SEA Games 2019 ở Philippines sau 60 năm chờ đợi. Càng tuyệt vời hơn khi thầy trò ông Park lại tiếp tục giữ được danh hiệu ấy ở SEA Games 2021, tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5-2022. Riêng năm 2022, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có 3 đội trẻ lọt vào VCK châu Á. Sự kiên trì trong định hướng của bóng đá nước nhà là kết quả công tác đào tạo trẻ, để liên tục có lực lượng kế thừa nhằm đáp ứng các nhiệm vụ quốc tế​. Để có được những thành tựu đó, cũng phải kể đến sự may mắn của VFF khi đã chọn được HLV Park Hang-seo. Thầy Park đã mang đến cho BĐVN một nguồn cảm hứng bất tận, người thực thi các chiến lược của VFF với sự phát triển của đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam.

Bên cạnh một tập thể đoàn kết nhất trong lịch sử, VFF nhiệm kỳ 9 còn ghi dấu ấn đậm nét ở khả năng kiếm tiền. Cụ thể, tổng giá trị mà VFF thu được trong năm 2018, năm cuối nhiệm kỳ 7 là 92 tỷ đồng. Con số trên được nâng mạnh hằng năm, năm 2022 là 209,5 tỷ đồng. Tổng thu từ tài trợ, quảng cáo và bản quyền truyền hình trong khóa 8 là 679,4 tỷ đồng, gấp đôi khóa trước. Bên cạnh 2 nguồn thu chủ lực từ bao năm nay là tài trợ và quảng cáo, sự khác biệt lớn mà VFF khóa 8 tạo ra được so với các khóa trước đây là khoản thu từ bản quyền truyền hình bóng đá. Sự thành công chung đã giúp VFF được đánh giá rất cao, bóng đá trở thành lĩnh vực truyền cảm hứng tốt, luôn được xã hội tin tưởng và tự hào.

Còn nhiều thách thức phía trước

Có thể nói, bộ máy lãnh đạo VFF nhiệm kỳ vừa được bầu ra rất trẻ trung, đầy năng lượng nhưng cũng dày dạn kinh nghiệm. Tân Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn với 100% phiếu đồng ý. Mới 52 tuổi, tuy nhiên, từ năm 35 tuổi ông đã là Tổng Thư ký trẻ nhất trong lịch sử VFF. Ông Trần Anh Tú, tân Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn cũng chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ thứ 4. Hai Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Kiên (phụ trách tài chính), Nguyễn Xuân Vũ (phụ trách truyền thông) giới bóng đá đều ghi nhận năng lực.

Với ê-kíp này, hy vọng các tân lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 9 sẽ tiếp tục phát triển các thành tựu tuyệt vời mà BĐVN vừa đạt được. Có thể nói nhiệm kỳ 2022-2026 sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức ở trước mắt. Bóng đá Việt Nam đã lên được Top 100 của bảng xếp hạng FIFA và lọt vào Top 15 của châu lục. Nhiệm vụ trước tiên là duy trì thành tích này, rồi sau đó mới tìm những giải pháp đột phá để bật lên. BĐVN phải tiếp tục kiên định trong việc đầu tư vào các lứa kế cận của đội tuyển quốc gia, đặc biệt là lứa tuổi từ 19 tới 22.

Nhiệm kỳ 9 cũng không được phép lãng quên giấc mơ World Cup với bóng đá nam, khi số lượng đội bóng ở World Cup được gia tăng từ 32 lên 48 đội vào VCK, mở ra cơ hội lớn. Định hướng đến năm 2030, BĐVN nằm trong Top 10 châu Á, cũng không dễ chinh phục.

VFF cũng cần phải có những giải pháp đột phá hơn nữa trong công tác đối ngoại, hợp tác, tập huấn, thông qua các mối quan hệ quốc tế. Lâu nay, ngoài Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, các đội trẻ quốc gia ít được tập huấn ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển cao hơn để có cơ hội tiệm cận với trình độ đỉnh cao của thế giới và châu lục.

Cuối cùng,  trách nhiệm của ban lãnh đạo VFF khóa 9 là phải tạo bước đột phá cho giải chuyên nghiệp, vốn là bệ phóng của các đội tuyển quốc gia. V-League vẫn còn đó nhiều tồn tại, như sự non kém của công tác trọng tài; quá nhiều đội chỉ duy trì mục tiêu trụ hạng nên khi đạt mục đích thì đá không hết mình; lượng khán giả đến sân vẫn chưa cao.

MỘC MIÊN

.