Thể thao
Bóng đá Đông Nam Á cần hướng đi mới
AFF Cup 2022 chưa kết thúc nhưng chúng ta có thể phác hoạ về bức tranh toàn cảnh của các nền bóng đá trong khu vực. Nếu không có hướng đi mới thì khó có thể hòa nhập với các khu vực bóng đá đỉnh cao.
Bóng đá Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: M.M |
Chất lượng chưa được cải thiện
Với các tín đồ đã đồng hành cùng World Cup suốt 1 tháng qua, hẳn đã không còn quá xa lạ với những kịch bản bất ngờ khi những đội “chiếu dưới” vùng lên một cách mạnh mẽ và khiến các thế lực hàng đầu phải “choáng váng”. Tuy nhiên, kịch bản ấy chưa tái hiện tại AFF Cup 2022, khi thế cờ vẫn thuộc về các đội thuộc nhóm dẫn đầu. Tìm kiếm về những “chú ngựa ô” được xem là điều xa xỉ khi trình độ giữa các nền bóng đá trong khu vực vẫn đang ở mức chênh lệch nhau rất nhiều.
Có cảm giác, từng trận đấu đã qua như thể những cú dợt của các nhóm thế lực và sân khấu lớn thực sự chỉ có thể bắt đầu từ vòng bán kết trở đi. Dẫu biết, khi bước vào một sân chơi, tất cả đều phải thi đấu và cống hiến hết khả năng nhưng đòi hỏi làm sao được những đội tuyển như Lào, Brunei hay Campuchia…, có thể thi đấu một cách sòng phẳng với các đội nhóm trên. AFF Cup suy cho cùng vẫn là cuộc chơi riêng của những đội tuyển tên tuổi và có thâm niên vô địch xuyên suốt lịch sử.
Về phía khán giả, AFF Cup tất nhiên là giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á nhưng vì một vài yếu tố khách quan, giải đấu năm nay vẫn chưa thể bứt phá so với những năm trước. Thời điểm tổ chức cận kề khi chỉ cách nhau 1 năm, cùng với đó là việc khởi tranh sau World Cup 2022 càng khiến nhiều bộ phận khán giả có phần bị “bội thực” bóng đá.
Góc nhìn từ khán giả là vậy, còn với các đội tuyển, minh chứng rõ nhất là Thái Lan khi họ không còn duy trì được sự quyết tâm như 1 năm trước. “Voi chiến” đến AFF Cup mà không có sự phục vụ của những ngôi sao tên tuổi như Chanathip, Supachok. Ngay cả bản quyền giải đấu cũng chỉ được truyền hình Thái Lan mua ở thời điểm đã khởi tranh. Với một nền bóng đá đã có đến 6 lần lên ngôi tại AFF Cup, việc Thái Lan không còn quá mặn mà cũng là điều dễ hiểu. Họ vừa để Indonesia cầm hòa 1-1 là dấu hiệu xấu cho khả năng bảo vệ ngôi vô địch.
Loại trừ thêm những đội tuyển “nhược tiểu” khó lòng tạo nên bất ngờ thì chỉ còn nhóm đội cạnh tranh như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Cùng xây dựng chiến lược phát triển
Nhìn nhận thực tế, sự mất cân bằng tại AFF Cup phụ thuộc vào quá trình phát triển bóng đá của từng quốc gia. Hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp của Đông Nam Á nếu xem xét khách quan chỉ có Thai League là đang ở tầm khu vực với sự chuyên nghiệp và bài bản. Còn lại, những giải đấu khác dù thuộc các nền bóng đá có tiếng tăm trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Indonesia vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Những nền bóng đá kém phát triển hơn như Lào, Brunei, Campuchia thì sẽ còn rất lâu nữa mới bắt kịp trình độ với các nước láng giềng.
Nếu chỉ trong khu vực vẫn chưa thể tạo nên những sự bứt phá và ganh đua thì làm sao có thể nâng cao trình độ để cạnh tranh ở cấp độ châu lục. Không nhiều đội tuyển thuộc Đông Nam Á có thể làm nên chuyện tại các giải đấu châu Á, thậm chí các CLB thuộc hệ thống các giải đấu lớn nơi đây cũng tỏ ra “lép vế” tại AFC Champions League dù trước đó đã “làm mưa làm gió” trong nước.
Hệ thống đào tạo trẻ và xuất khẩu cầu thủ bản địa sang nước ngoài thi đấu cũng không phải là điểm mạnh của bóng đá Đông Nam Á. Sẽ cần thêm rất nhiều phương hướng dựa trên sự chung tay của các liên đoàn trong khu vực, vừa để nâng tầm các giải vô địch quốc gia (VĐQG), vừa tăng cường công tác đào tạo, cọ xát với các nền bóng đá tiên tiến hơn, đồng thời đẩy lùi những tiêu cực và hạn chế vẫn còn đang hiện hữu.
Mô hình từ những nền bóng đá như Nhật Bản, Hàn Quốc rất đáng để học hỏi từ hệ thống các giải VĐQG cho đến phương hướng phát triển đội tuyển. Chỉ là, để đi từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một quá trình dài đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau.
Bóng đá Đông Nam Á muốn thoát khỏi “vùng trũng” của thế giới sẽ còn rất nhiều điều cần làm. Trên hết là sự hợp tác để cùng phát triển của cả khu vực và hướng đến một tương lai tốt hơn. Thời gian, tiền bạc, công sức, tất cả sẽ chỉ có ý nghĩa khi được đặt vào đúng mục đích và giá trị.
MỘC MIÊN