Thể thao
Cơ hội và thách thức của HLV Philippe Troussier
Đến với bóng đá Việt Nam khi “kỷ nguyên” Park Hang-seo vừa khép lại, HLV Philippe Troussier đối mặt nhiều áp lực. Dẫu vậy, với đẳng cấp và những gì kế thừa, chiến lược gia người Pháp được kỳ vọng đưa bóng đá Việt Nam tiến xa hơn.
Quãng thời gian làm việc với U19 Việt Nam giúp HLV Philippe Troussier phần nào am hiểu bóng đá Việt Nam. Ảnh: PVF |
Áp lực từ thành công của người tiền nhiệm Park Hang-seo là điều đầu tiên ông Troussier cảm nhận khi ngồi vào ghế “nóng”. Lịch sử bóng đá thế giới có không ít trường hợp HLV tài năng chôn vùi tên tuổi khi tiếp quản đội bóng vừa đạt được một đỉnh cao chói lọi. Ngoài ra, ông Troussier sẽ làm việc trong tình cảnh chịu sự so sánh với những gì ông Park đã làm. Dẫu vậy, với đẳng cấp thế giới, chiến lược gia người Pháp hiểu rằng, khi nhận lời dẫn dắt bất cứ đội tuyển quốc gia nào, ông đều phải “nói chuyện” bằng thành tích.
Với bóng đá Việt Nam, ông Troussier có những thuận lợi để thành công. Quãng thời gian làm việc ở Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) và U19 Việt Nam giúp ông có cái nhìn tổng quát về thực trạng của nền bóng đá, cách vận hành bộ máy tổ chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), chất lượng của các giải đấu và đặc biệt là năng lực của các cầu thủ. Triết lý của ông cũng phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Ông Troussier và Park Hang-seo có điểm chung là biết cách khơi dậy tinh thần quyết tâm, khát khao cống hiến cho các học trò. Cả hai thuộc mẫu HLV kiêm quản lý, có tầm nhìn chiến lược và giỏi xây dựng nền tảng, được ví như kim chỉ nam, giúp những nền bóng đá non trẻ vừa cải thiện thành tích vừa tìm được định hướng đúng đắn.
Quá trình dẫn dắt U19 Việt Nam, HLV Troussier đề cao tính kiểm soát trong lối chơi. Ông từng sử dụng sơ đồ 3 trung vệ, nhưng có khác biệt so với đội bóng của HLV Park Hang-seo ở chỗ các tuyến chơi gần nhau, nhờ đó bảo đảm tính tổ chức và liên lạc. Chiến lược gia 67 tuổi sẽ không khó khăn để áp dụng triết lý của mình ở đội tuyển Việt Nam.
Trong tay ông lúc này là dàn cầu thủ đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Đó là lứa cầu thủ được đào tạo bài bản, có nền tảng kỹ thuật cá nhân cơ bản và tư duy đủ tốt để có thể tiếp thu những kiến thức nâng cao. Họ được HLV Park Hang-seo nâng tầm bản lĩnh thi đấu khi thường xuyên được trau dồi, cọ xát ở những giải đấu hàng đầu khu vực. Đây là bước đà không thể tốt hơn dành cho ông Troussier.
Nhậm chức trong tháng 3 nhưng đến tháng 11-2023, HLV Troussier mới có trận đấu chính thức cùng đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Sau đó, chúng ta góp mặt ở vòng chung kết (VCK) Asian Cup 2023 tại Qatar (dời đến tháng 1-2024 khi chủ nhà Trung Quốc từ chối đăng cai do ảnh hưởng của Covid-19).
Với quỹ thời gian này, HLV Troussier thoải mái lắp ráp đội hình, xây dựng hệ thống chiến thuật mà ông mong muốn. Ngoài ra, trong năm 2023, dự kiến VFF đáp ứng nhu cầu của ông Troussier khi xây dựng kế hoạch thi đấu giao hữu cho đội tuyển Việt Nam trong các đợt FIFA Days vào tháng 6, 9, 10 tổng cộng khoảng 5 đến 6 trận với “quân xanh” thích hợp.
Trước khi đến với bóng đá Việt Nam, HLV Troussier làm việc ở 11 quốc gia, 7 đội tuyển và giành nhiều danh hiệu cá nhân lẫn tập thể trong 40 năm qua. Đáng kể nhất là giai đoạn ông dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản từ năm 1998-2002. Sự xuất hiện của ông Troussier tại Việt Nam gần giống cách ông đến với Nhật Bản hai thập niên trước. Thời điểm đó, người Nhật cũng mới có lần đầu dự VCK World Cup (1998). Hệ thống bóng đá chuyên nghiệp (J-League) cũng chỉ mới cải tổ, chưa lớn mạnh như bây giờ. Cuối cùng, sau 4 năm, tên tuổi của ông Troussier được ghi nhớ ở xứ sở mặt trời mọc.
Thành công trong bóng đá không hoàn toàn đến từ yếu tố chuyên môn của HLV. Dù vậy, người hâm mộ có niềm tin, giữa ông Troussier và bóng đá Việt Nam sẽ có mối lương duyên đẹp, tựa như mối lương duyên với HLV Park Hang-seo.
PHI NÔNG