Trước thềm mùa giải chuyên nghiệp 2023: Đến lúc làm bóng đá "thật"

.

Khi mùa giải chuyên nghiệp lần thứ 23 (V-League) chỉ còn vài ngày nữa khởi tranh thì một thông tin không lấy gì làm vui vẻ, đáng để những người có trách nhiệm với nền bóng đá suy ngẫm.

CLB SHB Đà Nẵng (bên trái) đang quyết tâm xây dựng lại bản sắc thông qua sử dụng nhiều cầu thủ do thành phố đào tạo. Ảnh: M.M
CLB SHB Đà Nẵng (bên trái) đang quyết tâm xây dựng lại bản sắc thông qua sử dụng nhiều cầu thủ do thành phố đào tạo. Ảnh: M.M

Hãy nhìn sang Thái Lan

Cụ thể, Liên đoàn Thống kê và Lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) vừa công bố bảng xếp hạng 80 giải vô địch quốc gia xuất sắc nhất thế giới và 500 CLB bóng đá nam hàng đầu thế giới trong năm 2022. Không có giải vô địch quốc gia hay CLB nào của Việt Nam góp mặt trong danh sách trên. Trong khi, Giải bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan (Thai League) xếp hạng 71. Đông Nam Á có 3 CLB được xếp hạng là CLB BG Pathum United (Thái Lan), Johor Darul Ta’Zim (Malaysia) và Buriram United (Thái Lan).

Ngày 3-2 tới, Night Wolf V-League 2023 chính thức khởi tranh trên khắp các sân cỏ cả nước. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và các CLB cần “thức tỉnh”, cùng nhau dựng xây một giải chuyên nghiệp khác biệt so với 22 mùa trước đó. Không cần học đâu xa, chúng ta cần nhìn vào bóng đá Thái Lan. Họ có những thời điểm sa sút nhưng về cơ bản, đẳng cấp của bóng đá xứ chùa vàng vẫn được duy trì. Bằng chứng đội tuyển nam vừa hạ gục các “chiến binh sao vàng” ở chung kết AFF Cup 2022 để bảo vệ ngôi vô địch. Thai League có chất lượng rất cao, khán giả đông, thương quyền, bản quyền truyền hình cực lớn. Nhiều CLB của họ đã tiệm cận trình độ châu Á.

Trong bối cảnh đó, khá mừng khi lần đầu tiên VPF đã thay đổi thể thức và lịch thi đấu mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Công nghệ VAR cũng được hứa hẹn đưa vào, dù không biết số lượng các trận sử dụng VAR là bao nhiêu. Tuy nhiên, dù công nghệ và phương tiện kỹ thuật cao bao nhiêu mà chất lượng chuyên môn không bảo đảm, tiêu cực sân cỏ lẫn khâu trọng tài không được cải thiện, thì khó nói đến việc “cách mạng” V-League. Số lượng khán giả đến sân sẽ quy chiếu tất cả các giá trị.

Và hãy làm bóng đá “thật”

Khái niệm “học thật, dạy thật, thi thật”... đang được khuyến khích ở môi trường giáo dục. Bóng đá đến lúc cũng phải làm thật. Có một chi tiết ở mùa giải 2022 rất đáng chú ý. CLB T. Bình Định, đội (cùng Hải Phòng) cạnh tranh ngôi vô địch với Hà Nội FC đến phút cuối, đạt huy chương đồng nhưng kết thúc mùa giải đã suýt giải tán vì nợ lương, thưởng cầu thủ.

Cách làm của đội bóng đá đất võ là vung tiền mua cầu thủ giỏi khắp nơi về hòng đạt thành tích nhất thời, đánh bóng tên tuổi. Khi kết quả không như mong muốn, họ sa sút cả tinh thần cùng sự nhiệt tình đầu tư. Đấy không phải là cách làm bóng đá “thật”. Rất nhiều  địa phương đã phải trả giá đắt do giao phó hết cho các ông bầu nhảy vào tài trợ, không chịu đầu tư đào tạo trẻ. Khi doanh nghiệp đột ngột quay lưng thì mọi chuyện đã muộn.

Mọi người hẳn cũng nhớ đến Quảng Ninh, cũng thăng hoa nhiều thời điểm. Đùng một cái mùa giải 2022, khi doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”, trả lại cho tỉnh Quảng Ninh thì đội bóng đã phải giải thể. Do đó, một CLB vững mạnh phải căn cứ vào 3 tiêu chí cốt lõi: nền tảng đào tạo trẻ; tiềm năng tài chính;  sự tâm huyết của các ông chủ được kiểm định trong thời gian dài.

V-League 2023 sẽ có 14 CLB tham dự gồm: CLB Bình Dương, CLB Công an nhân dân, CLB Nam Định, CLB Thanh Hóa, CLB Đà Nẵng, CLB Khánh Hòa, CLB Hà Nội, CLB Sông Lam Nghệ An, CLB Hải Phòng, CLB Thành phố Hồ Chí Minh, CLB Hoàng Anh Gia Lai, CLB Bình Định, CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và CLB Viettel. Trong số này, không khó nhận diện 3 gương mặt sẽ là ứng cử viên “nặng ký” cho chức vô địch: Hà Nội, Viettel, Công an nhân dân. Hà Nội FC có ông chủ là bầu Hiển hội tụ 3 tiêu chí ở trên. Hai đội bóng còn lại thuộc về lực lượng vũ trang, tiềm lực tài chính, khát vọng, kỷ luật có thừa. Các CLB còn lại cố gắng lắm cũng chỉ đóng vai trò “ngựa ô”. Ngay cả Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, cầu thủ chất lượng không thua kém ai nhưng điểm yếu của họ là tài chính, nên quá khó để vượt giới hạn.

Tóm lại, cách làm bóng đá “thật” cần được cổ xúy bởi như thế các đội bóng sẽ luôn tồn tại, dù trước mắt có thể không đạt thành tích cao. Không thể mãi vung tiền để mưu cầu thứ thành tích ảo, đánh mất bản sắc vốn là thứ quý giá nhất mà nhiều địa phương đã nhọc công gầy dựng cho đội bóng mình suốt chiều dài lịch sử.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.