Thể thao

Khi HLV Philippe Troussier "bắt bệnh" bóng đá Việt Nam

09:04, 15/03/2023 (GMT+7)

Hơn 1 năm dẫn dắt U19 Việt Nam và trở lại ghế HLV trưởng bóng đá Việt Nam lần này, HLV Philippe Troussier  đã có những phát biểu mang tính “bắt bệnh” bóng đá Việt Nam. Dù có thể chối tai nhưng chúng ta nên chịu khó lắng nghe.

HLV Philippe Troussier và các tuyển thủ U23 Việt Nam. Ảnh: VFF
HLV Philippe Troussier và các tuyển thủ U23 Việt Nam. Ảnh: VFF

Hôm qua (14-3), HLV Philippe Troussier lần đầu tiên dẫn dắt bóng đá Việt Nam, cụ thể nắm U23 Việt Nam đá trận tập huấn với CLB Phú Thọ. Kết quả trận đấu không quan trọng bằng những chia sẻ hết sức thẳng thắn về những gì ông trải nghiệm. “Các cầu thủ chia sẻ với tôi rằng suốt nhiều tháng qua họ chỉ được thi đấu 4 trận tại V.League mà thôi. Trong khi đó, 4 tháng ở tại châu Âu thì các cầu thủ ở đó phải thi đấu được 40 trận rồi”.

“Tôi nghĩ có hai điều cần điều chỉnh. Thứ nhất là chúng ta phải tăng tính cạnh tranh cho giải vô địch quốc gia V-League, làm sao để các cầu thủ có thể chơi 40 - 50 trận mỗi năm và mùa giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam có thể diễn ra liên tục trong 10 tháng. Thứ hai, tuyển Việt Nam cần có nhiều trận đấu tập huấn, cọ xát với các đối thủ mạnh, nhất là các đội trong top 60 FIFA”. Lời khuyên của HLV Philippe Troussier khác gì với ông Park về bóng đá Việt Nam thời mới đến Việt Nam cầm quân?

Trở lại quá khứ, khi HLV Park Hang-seo sang Việt Nam, ông hầu như không có nhiều hiểu biết bóng đá Việt. Phải 2 năm sau, 2019, ông mới thẳng thắn đưa ra nhận xét trên truyền thông: “Tôi xin nói thẳng với tư cách là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thì chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho World Cup đâu. Chúng ta phải có kế hoạch, Chính phủ Việt Nam và VFF cần phải có kế hoạch và những bước đi. Còn tôi là HLV trưởng sẽ thực hiện đúng kế hoạch đấy”.

Ông Park đã chỉ ra các yếu điểm cốt tử như các CLB hiện nay có đến 80% cầu thủ người nước ngoài thi đấu ở các vị trí trung vệ và tiền đạo đá cao nhất. Nếu chúng ta tiếp tục tình trạng như thế này thì sắp tới tiền đạo, trung vệ giữa lấy nguồn đâu ra? Tất nhiên, các CLB có lý do của họ rằng tại sao họ lại sử dụng ngoại binh. Nhưng vấn đề này có lẽ là CLB và VFF cần ngồi lại làm sao tìm ra một hướng giải quyết. Về tư duy huấn luyện, đào tạo cầu thủ, ông Park phân tích, nếu coi cầu thủ là một gói sản phẩm hoàn thiện thì bóng đá Việt Nam cần phải có chuyên gia về kỹ thuật, chuyên gia về dinh dưỡng từ nhỏ, chuyên gia về thể lực, đội ngũ y tế gọi là phòng tránh chữa trị chấn thương, chuyên gia phân tích trận đấu hỗ trợ, chuyên gia tâm lý…

Người hâm mộ chưa quên câu nói bất hủ của cố HLV A.Riedl khi ông lần đầu nắm đội tuyển Việt Nam vào năm 1998: “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc”.

Đến đây, mọi người có thể thấy các “căn bệnh” mà HLV Philippe Troussier  vừa chỉ ra với bóng đá Việt Nam có nhiều tương đồng với nhận xét của hai HLV tài ba là Park Hang-seo và A.Riedl. Có nghĩa, công tác đào tạo trẻ đã tốt lên, nhưng vẫn còn nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm, nặng về bệnh thành tích. Các cầu thủ trẻ ít được tạo điều kiện thi đấu ở mọi cấp độ, nhất là ở giải chuyên nghiệp. V-League và hạng Nhất chưa vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, tạo nhiều giá trị gia tăng cho bản thân các CLB. Ở tầm các đội tuyển, đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia ít được tập huấn, thi đấu với các đội bóng đến từ nền bóng đá đỉnh cao của thế giới. Trong khi Malaysia, Thái Lan, Singapore luôn là điểm đến giao hữu quốc tế của các CLB, đội tuyển hàng đầu thì người hâm mộ Việt Nam ít được chiêm ngưỡng các thần tượng bằng xương, bằng thịt trên sân Mỹ Đình, Thống Nhất.

Khi đưa ra những nhận xét đó, với tư cách HLV quá nhiều lần dẫn dắt các CLB, đội tuyển quốc gia hai lần dự World Cup, ông Philippe Troussier muốn truyền đi thông điệp cốt lõi: muốn đội tuyển Việt Nam dự World Cup 2026, 2030, bóng đá Việt Nam phải “xây nhà từ móng”.

Tất nhiên, vị HLV người Pháp chỉ đóng vai trò “thợ xây”, còn thiết kế và chất liệu phải do thực lực của chủ nhà, tức bóng đá Việt Nam đang có ở mức độ nào. Cả hệ thống của nền bóng đá phải kiên quyết loại bỏ tư duy “xây nhà từ nóc”.

MỘC MIÊN

.