Thể thao Đà Nẵng phát triển đúng hướng

.

Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển thể thao đỉnh cao lẫn phong trào. Làm sao để thể thao Đà Nẵng cất cánh, cùng đạt được thành tích tốt tại SEA Games 32 đã cận kề? Dưới đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Thao với Báo Đà Nẵng.

Phong trào thể thao quần chúng đang phát triển khá tốt ở Đà Nẵng. Ảnh: M.M
Phong trào thể thao quần chúng đang phát triển khá tốt ở Đà Nẵng. Ảnh: M.M

* Xin ông cho biết công tác chuẩn bị SEA Games 32 của thể thao Đà Nẵng?

- Đà Nẵng hiện có 61 vận động viên (VĐV) đang tập trung tập huấn luyện đội tuyển, đội tuyển trẻ tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia. Trong đó, dự kiến có khoảng từ 15 đến 20 VĐV  ở các môn: điền kinh, bơi, taekwondo, jujitsu, pencak silat, karate, lặn, billiards, cờ, boxing-kickboing, Sailing (thuyền buồm), đua thuyền truyền thống trong thành phần đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 32 và dự kiến phấn đấu đạt 5 huy chương vàng, tập trung ở các môn trọng điểm như: điền kinh, bơi, taekwondo, jujitsu, pencak silat, lặn.

* Thực trạng đào tạo VĐV đỉnh cao hiện nay của thành phố ra sao? Đà Nẵng có những giải pháp gì để trở thành một trung tâm đào tạo VĐV chất lượng cho cả nước?

- Để có được thành tích thể thao cao, VĐV được tuyển chọn và huấn luyện phải trải qua quá trình liên tục kéo dài từ 8 đến 10 năm. Sở xác định tập trung phát triển các môn thể thao Olympic, ASIAD và các môn thể thao biển, trong đó công tác tuyển chọn VĐV, xây dựng lực lượng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển thể thao thành tích cao một cách bền vững. Xác định số lượng VĐV xuất sắc là các VĐV chủ lực và VĐV trẻ tiềm năng để ưu tiên tập trung đào tạo, bồi dưỡng thông quan việc cử đi tập huấn nước ngoài, thi đấu các giải quốc tế. Trong đó, nhóm VĐV chủ lực hướng đến mục tiêu tại các giải đấu cấp quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới; nhóm VĐV trẻ có tiềm năng làm nhiệm vụ tại các giải trẻ. Nhờ đó, thể thao thành tích cao Đà Nẵng phát triển khá ổn định và bền vững, góp phần đáng kể vào thành tích chung của thể thao Việt Nam tại các kỳ Đại hội ASIAD 2018, SEA Games 31-2022.

Chúng tôi tiếp tục phân các nhóm môn đầu tư với các tiêu chí và mức độ đầu tư phát triển cụ thể nhằm tập trung nguồn lực, hạn chế dàn trải. Đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác trong nước, quốc tế và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển thể thao thành tích cao. Tiếp tục lựa chọn, cử các VĐV xuất sắc đi tập huấn nước ngoài và thi đấu quốc tế để nâng cao thành tích. Phát huy hơn nữa vai trò của các liên đoàn, hiệp hội, các tổ chức xã hội trong việc phát triển thể thao thành tích cao. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao.

* Điều rất quan tâm là các thiết chế thể thao của Đà Nẵng hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân?

- Ngoài các công trình do sở quản lý, các thiết chế thể thao từ cơ sở đến quận, huyện được các cấp quan tâm đầu tư. Ngoài ra, nhiều công trình thể thao được các đơn vị ngoài ngành đầu tư quản lý và hoạt động hiệu quả như: CLB Phan Châu Trinh, Trung tâm TDTT Quốc phòng 3 (Quân khu 5) và các cơ sở thể thao do các doanh nghiệp, đoàn thể, cơ sở giáo dục quản lý. Hằng năm, các đơn vị lựa chọn các hoạt động TDTT phù hợp để duy trì tổ chức, góp phần phát huy hiệu quả công trình, nhất là trong năm diễn ra Đại hội TDTT các cấp thành phố. Các trung tâm VHTT, khu vui chơi, giải trí trở thành điểm vui chơi, tập luyện của người dân…

* Thể thao học đường và thể thao phong trào vốn rất được các nước chú trọng, vậy ngành thể thao đã phát huy được sức mạnh của hai nguồn lực này chưa, thưa ông?

- Nhìn chung, phong trào TDTT ngày càng được duy trì, phát triển rộng khắp, nhiều CLB được thành lập. Tiêu biểu là các hoạt động thể dục dưỡng sinh, bóng bàn, cầu lông, bơi lội, thể dục thể hình, yoga, chạy bộ, xe đạp hay Ngày chạy Olympic “Vì sức khỏe toàn dân” hằng năm thu hút đông đảo đối tượng, lứa tuổi tham gia. Bên cạnh đó, các môn thể thao truyền thống tiếp tục được duy trì, khôi phục và phát triển đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân.

Về thể thao học đường, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung và các biện pháp giáo dục thể chất. Hằng năm, sở phối hợp ngành GD&ĐT lựa chọn, tổ chức các môn thi đấu với chất lượng ngày một nâng cao.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

MỘC MIÊN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.