Thể thao

SEA Games 32: Những cái tên làm nên lịch sử rực rỡ cho Thể thao Việt Nam

14:37, 18/05/2023 (GMT+7)

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, nhiều thử thách khắc nghiệt đã góp phần kiến tạo nên những điểm nhấn đem lại nhiều cảm xúc cho người hâm mộ các tuyển thủ Việt Nam tại SEA Games 32. Trong số họ, rất nhiều người đã làm nên kỉ lục, lịch sử, mang về thành công vang dội cho đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games năm nay. Dưới đây là một số gương mặt điển hình:

1. "Siêu nhân" Nguyễn Thị Oanh - Sức mạnh phi thường trong hình dáng nhỏ bé

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games tại nội dung 5.000m nữ với thành tích 17 phút 00 giây 28. Các VĐV điền kinh đã giành được 12 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ, đóng góp lớn vào thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games tại nội dung 5.000m nữ với thành tích 17 phút 00 giây 28. Các VĐV điền kinh đã giành được 12 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ, đóng góp lớn vào thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nguyễn Thị Oanh là một trong những VĐV xuất sắc nhất tại SEA Games 32, cũng như suốt chiều dài lịch sử của Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Đằng sau vinh quang chói lọi mà cô đạt được là cả một nghị lực phi thường. Trước thềm SEA Games 32, hãng thông tấn AFP của Pháp đã đưa Nguyễn Thị Oanh vào danh sách những VĐV đẳng cấp được quan tâm tại kỳ đại hội năm nay.

Cô đã chứng minh nhận định đó đúng đắn khi tạo nên kỷ lục "vô tiền khoáng hậu", tham dự 4 nội dung khá vất vả ở đại hội năm nay gồm 5.000m, 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 10.000m nữ và đều giành HCV. Oanh đã làm nên thành tích chưa từng có khi là VĐV điền kinh Việt Nam giành tới 4 HCV cá nhân chỉ trong một kỳ SEA Games.

Không chỉ sở hữu thành tích ấn tượng ấy, cô gái với chiều cao 1m50 khiến người ta nể phục bởi nỗ lực và sự kiên cường. Ở ngày thi 9-5, Ban tổ chức đột ngột đổi lịch thi đấu khiến hai nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật nữ chỉ cách nhau 20 phút. Oanh đã chấp nhận đương đầu thử thách, mạnh mẽ chinh phục cả hai nội dung với vị trí đầu tiên và còn về trước đối thủ khá nhiều. Sức mạnh, nghị lực vượt khó của cô gái "bé hạt tiêu" quê Bắc Giang khiến người xem mến mộ và tin yêu.

2. Những "cô gái vàng" của Bóng rổ Việt Nam

Đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam xuất sắc đánh bại đội tuyển nữ Philippines (áo xanh) trong trận chung kết với tỷ số 21-16 để giành HCV bóng rổ đầu tiên trong lịch sử các kỳ SEA Games cho thể thao Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN
Đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam xuất sắc đánh bại đội tuyển nữ Philippines trong trận chung kết với tỷ số 21-16 để giành HCV bóng rổ đầu tiên trong lịch sử các kỳ SEA Games cho thể thao Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN

Những bước đi bóng thần tốc, những cú ném "thần sầu" đem lại sự thăng hoa trong cảm xúc của các cô gái đội tuyển bóng rổ 3x3 Việt Nam tại SEA Games 32 đã đem lại sức sống mới cho Bóng rổ Việt Nam. Chiến thắng của họ không chỉ làm nức lòng người hâm mộ, sự khâm phục của giới chuyên môn mà còn đem lại những giá trị lớn cho phong trào Bóng rổ Việt Nam.

Những ngày SEA Games diễn ra, cặp VĐV Việt kiều song sinh Trương Thảo My - Trương Thảo Vy nhận tin bà ngoại qua đời. Cả hai đã nén nỗi đau buồn để ở Campuchia cùng đội tuyển nữ Việt Nam nuôi giấc mơ đổi màu huy chương. Tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm ngoái, Thảo My và Thảo Vy đã giành HCB lịch sử - lần đầu tiên bóng Việt Nam đạt được thành tích cao đến thế tại một kì đại hội. Và năm nay, các "cô gái vàng" đã hiện thực hóa giấc mơ, trở thành nhà vô địch ở nội dung bóng rổ 3x3 nữ.

Không chỉ Thảo Vy, Thảo My mà cả Huỳnh Ngoan, Tiểu Duy cũng xứng đáng được nhắc tên ở hành trình lịch sử này. Bốn cô gái dẫu có lúc đau đớn vì chấn thương, vượt qua khó khăn và áp lực, đã lần đầu tiên đưa Bóng rổ Việt Nam lên đỉnh vinh quang của khu vực.

Tấm HCV cũng thể hiện những bước đi vững chắc của bóng rổ Việt Nam trong gần 10 năm qua, trở thành cú hích mạnh mẽ để tạo đột phá trong đầu tư, đào tạo với tầm nhìn xa hơn, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống thi đấu và đưa bóng rổ phát triển mạnh mẽ hơn trong các trường học; đồng thời tạo ra nhiều sân chơi để các cầu thủ trẻ có mục tiêu, có ước mơ, hoàn thiện hệ thống đào tạo cho các VĐV từ nhỏ.

3. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lập kỷ lục vô địch trong 4 kỳ SEA Games liên tiếp

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam xuất sắc giành HCV, lập kỷ lục là đội đầu tiên vô địch 4 kỳ SEA Games liên tiếp và 8 lần vô địch tại các kỳ Đại hội thể thao khu vực. Ảnh: TTXVN
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam xuất sắc giành HCV, lập kỷ lục là đội đầu tiên vô địch 4 kỳ SEA Games liên tiếp và 8 lần vô địch tại các kỳ Đại hội thể thao khu vực. Ảnh: TTXVN

Đó là thành tích chưa đội bóng nữ nào trong khu vực làm được và là kỷ lục mà còn rất lâu mới có thể xô đổ. Đội tuyển nữ Việt Nam dự giải trong thời điểm đội đang trẻ hóa, một số trụ cột lại dính chấn thương. Ngôi vô địch SEA Games 32 không phải điều dễ dàng, mà là những trăn trở, lo lắng của HLV Mai Đức Chung và sự nỗ lực, cố gắng của các "cô gái kim cương".

Trong đó những cái tên nổi bật như đội trưởng Huỳnh Như, Bích Thuỳ, Thuỳ Trang hay Thanh Nhã. Cầu thủ trẻ Nguyễn Thị Thanh Nhã đã có sự tiến bộ nhanh chóng và vượt bậc khiến HLV Mai Đức Chung hài lòng. Nữ tuyển thủ với gương mặt xinh đẹp chính là người có pha bứt tốc xuất thần và cú sút xa như đại bác "xé lưới" đội tuyển nữ Myanmar trong trận chung kết ngày 15-5.

Chiến tích đạt được tại Campuchia sẽ là động lực tinh thần, cũng như bước chạy đà cần thiết để thầy trò HLV Mai Đức Chung hướng tới giải đấu quan trọng là World Cup nữ chuẩn bị khởi tranh ở Australia và New Zealand từ tháng 7 tới. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ đến với đấu trường lớn nhất thế giới bằng sự hứng khởi và niềm cảm hứng từ SEA Games đúng theo lời của đội trưởng Huỳnh Như, "chiến thắng này giúp chúng tôi tự tin hơn khi thi đấu ở giải đấu lớn như World Cup, đồng thời cũng làm tăng niềm tin của người hâm mộ đối với đội bóng".

4. Nguyễn Văn Tùng - "Thần tài" của đội tuyển U22 Việt Nam

Pha đi bóng của Nguyễn Văn Tùng (9) trước sự kèm cặp của Komang Trisnanda (4, Indonesia) trong trận bán kết 1 môn Bóng đá nam tại SEA Games 32 giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Pha đi bóng của Nguyễn Văn Tùng (9) trước sự kèm cặp của Komang Trisnanda (4, Indonesia) trong trận bán kết 1 môn Bóng đá nam tại SEA Games 32 giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Có thể nói Văn Tùng chính là điểm sáng lớn nhất của U22 Việt Nam trong hành trình SEA Games 32. Bước vào giải với vị thế của đương kim vô địch nhưng thầy trò HLV Philippe Troussier đã gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi trận đấu Văn Tùng được tham gia, anh đều ghi bàn thắng đầy cảm xúc khiến người hâm mộ vỡ òa. Ở trận tranh HCĐ, Văn Tùng tái phát chấn thương nên không thể ra sân.

Chung cuộc, Văn Tùng cùng U22 Việt Nam giành HCĐ, một kết quả có lẽ vẫn chưa thể khiến đông đảo người hâm mộ hài lòng nhưng các cầu thủ trẻ cũng đã nỗ lực hết sức. Văn Tùng ghi được 5 bàn thắng, bằng với 2 cầu thủ Indonesia vừa vô địch SEA Games. Cả ba đồng danh hiệu "Vua phá lưới bóng đá nam" năm nay. 

5. Kình ngư Phạm Thanh Bảo - Cú đúp kỷ lục 

Chung kết nội dung 200m ếch nam, môn Bơi, VĐV Phạm Thanh Bảo xuất sắc về nhất với thành tích 2 phút 11 giây 45, giành HCV và lập kỷ lục SEA Games mới. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN
Chung kết nội dung 200m ếch nam, môn Bơi, VĐV Phạm Thanh Bảo xuất sắc về nhất với thành tích 2 phút 11 giây 45, giành HCV và lập kỷ lục SEA Games mới. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN

Trong lịch sử SEA Games, Bơi Việt Nam chưa bao giờ giành được HCV 200m ếch nam nhưng "kình ngư" Phạm Thanh Bảo đã viết nên trang sử mới, khi anh vừa giành HCV, vừa phá kỷ lục SEA Games với thành tích 2 phút 11 giây 45. Trước đó, Thanh Bảo đã giành HCV ở nội dung 100m ếch với thành tích 1 phút 00 giây 97, phá kỷ lục chính mình (1 phút 01 giây 17).

Vậy là sau 13 năm kể từ khi cố VĐV Nguyễn Hữu Việt chiến thắng tại SEA Games 2005, Thanh Bảo là kình ngư đầu tiên tái lập được thành tích này. Chia sẻ về động lực chinh phục những thành tích đã giành được, "kình ngư" 22 tuổi cho biết: "Tôi luôn tự đặt cho mình áp lực là phải cố gắng mỗi ngày để biến ước mơ được tranh tài tại Olympic trở thành hiện thực. Hy vọng, điều đó sẽ không còn quá xa".

6. Đội tuyển Thể dục dụng cụ giành 4 HCV SEA Games

VĐV Đinh Phương Thành đi vào lịch sử, trở thành vận động viên vô địch SEA Games 5 kỳ liên tiếp môn Thể dục dụng cụ. Ảnh: TTXVN
VĐV Đinh Phương Thành đi vào lịch sử, trở thành vận động viên vô địch SEA Games 5 kỳ liên tiếp môn Thể dục dụng cụ. Ảnh: TTXVN

Tại SEA Games 31 trên sân nhà, đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia đã giành 4 HCV ở các nội dung ngựa vòng, xà kép, xà đơn và đồng đội nam. SEA Games 32, đội tiếp tục giành được 4 HCV với phần thi đấu hết sức kịch tính, bất ngờ và thăng hoa. Ngoài 4 tấm HCV để khẳng định vị trí, cuộc đối đầu giữa Nguyễn Văn Khánh Phong với nhà vô địch thế giới Carlos Yulo (Philippines) cũng để lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho người hâm mộ.

Đáng trân trọng hơn tất cả, đó là niềm tin về khả năng tiếp cận với thành tích ở các đấu trường lớn hơn ngoài khu vực đã và đang được nhen nhóm từ chiến thắng của các tuyển thủ từ sau cuộc đọ sức tưởng chừng rất chênh lệch với 1 VĐV đã đạt tới trình độ thế giới.

Theo Baotintuc.vn

.