Thể thao
Dấu ấn phóng viên thể thao
Sau mỗi dòng tin, bức ảnh hay chương trình truyền hình đưa được tới độc giả không chỉ là những nỗ lực của từng phóng viên thể thao, mà chất chứa trong đó, tình yêu không toan tính dành cho một nghề đã trót yêu thương. Cũng từ tình yêu này, phóng viên thể thao trên địa bàn Đà Nẵng nỗ lực hoàn thành công việc, đóng góp vào sự phát triển chung của thể thao thành phố.
Nhà báo Trịnh Quang Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Đồng hành với thể thao thành phố
Nhiều năm gắn bó với nghề phóng viên thể thao, nhà báo Trịnh Quang Long (Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng) đồng hành cùng quá trình phát triển của thể thao thành phố. Mỗi sự kiện thể thao diễn ra trên địa bàn hay các giải đấu có đoàn thể thao thành phố tham dự, anh đều có mặt, kịp thời truyền tải thông tin chân thực, sống động đến khán giả.
Theo nhà báo Trịnh Quang Long, phụ trách mảng thể thao buộc phóng viên đi hiện trường nhiều, có thể là những chuyến công tác xa với công việc không theo giờ giấc, ăn uống thiếu điều độ. Trong quá trình làm nghề, anh từng có những chuyến tác nghiệp xa, vất vả nhưng cũng đầy thú vị. “Mỗi chuyến đi để lại những kỷ niệm đáng nhớ.
Tuy nhiên, với tôi, đáng nhớ nhất là lần tác nghiệp tại Đại hội Thể dục - Thể thao (TD-TT) toàn quốc lần thứ 7 năm 2014, diễn ra tại tỉnh Nam Định. Thời điểm này, thể thao thành tích cao Đà Nẵng đang trên đà phát triển. Vì thế, để động viên, khích lệ các huấn luận viên, vận động viên nỗ lực thi đấu đạt thành tích cao, tôi đồng hành cùng đoàn thể thao thành phố tham dự đại hội. Những bản tin, phóng sự, câu chuyện thể thao… được phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng được đông đảo khán giả đón xem”, anh Long kể.
Cũng theo anh Long, nhiệm vụ của một phóng viên truyền hình là hoàn thành sản phẩm gửi về cơ quan kịp giờ phát sóng. Tuy nhiên, khi tác nghiệp tại một giải thể thao kéo dài với nhiều nội dung tranh tài, công việc trên diễn ra liên tục mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ. Vì thế, để hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi phóng viên phải làm việc với cường độ cao. “Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ 7 năm 2014 diễn ra tại tỉnh Nam Định, các nội dung thi đấu được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau như: Sân vận động Thiên Trường, Nhà thi đấu đa năng - Cung Thể thao Nam Ðịnh, Trung tâm Ðiện ảnh sinh viên, Nhà thi đấu huyện Giao Thủy, Nhà thi đấu huyện Hải Hậu… Điều này bắt buộc tôi và các đồng nghiệp phải di chuyển liên tục giữa các địa điểm. Không chỉ quay, để có được sản phẩm truyền hình hoàn chỉnh, chúng tôi còn xử lý thông tin, viết lời bình và dựng phim. Tất cả công việc phải hoàn tất trong thời gian ngắn với áp lực không nhỏ”, anh Long thổ lộ.
Ngoài chuyến tác nghiệp đáng nhớ tại tỉnh Nam Định, nhà báo Trịnh Quang Long còn đồng hành cùng thể thao thành phố ở nhiều giải đấu khác như: Đại hội TD-TT toàn quốc các năm 2018 tại Hà Nội, 2022 tại Quảng Ninh; SEA Games các năm 2017 tại Malaysia, 2019 tại Philippines… “Nghề nào cũng có đặc thù và những khó khăn, vất vả riêng. Dù vậy, trong nhiều năm phụ trách mảng thể thao ở Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, tôi vui khi những bản tin, phóng sự thể thao của đài góp phần giúp thể thao thành tích cao cũng như phong trào thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, lan tỏa sâu rộng”, anh Long bộc bạch.
Khắc họa sống động đời sống thể thao
Là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng, nhà báo Trần Lê Lâm có nhiều năm phụ trách mảng thể thao. Những sự kiện thể thao diễn ra trên địa bàn, anh được giao nhiệm vụ trực tiếp tác nghiệp, truyền tải thông tin, hình ảnh đến độc giả. “Quy mô, sự sôi nổi, hấp dẫn của các giải đấu thể thao do thành phố phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức là thước đo sự phát triển của phong trào thể thao. Vì thế, với phóng viên thể thao, trong quá trình đưa tin, cần khắc họa các sự kiện, giải đấu một cách sinh động nhất”, anh Lâm cho biết.
Nhà báo Nguyễn Viết Định. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Theo anh Lâm, Đà Nẵng là trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao của cả nước nên thường đăng cai các cuộc thi, giải đấu lớn. Năm 2022, cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng diễn ra thành công tại thành phố biển với sự tham dự của hơn 4.000 vận động viên, trong đó có hơn 800 vận động viên quốc tế, du khách đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Đây là giải chạy Marathon chuyên nghiệp với đường chạy được đo và cấp giấy chứng nhận của IAAF - AIMS (Hiệp hội Thể dục quốc tế và Hiệp hội Marathon quốc tế).
“Marathon quốc tế Đà Nẵng còn là dịp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh đẹp, thân thiện, mến khách của thành phố đến bạn bè quốc tế. Vì thế, với vai trò một phóng viên thể thao, bên cạnh đưa tin, tôi phải quay, chụp được những hình ảnh đẹp nhất của thành phố để phục vụ độc giả trong nước và quốc tế. Tại cuộc thi năm đó, tôi lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị kỹ lưỡng. Làm sao phản ánh những nỗ lực, quyết tâm trong công tác chuẩn bị của vận động viên và ban tổ chức trước khi cuộc thi diễn ra? Làm thế nào để ngày khởi tranh, độc giả khắp nơi đều cảm nhận được quy mô lớn của một cuộc thi mang tầm quốc tế? Đó là những công việc tôi cần hoàn thành. Cuộc thi năm đó là một một trải nghiệm đáng nhớ khi các phóng viên phải có mặt tại Công viên Biển Đông lúc 2 giờ đêm chuẩn bị tác nghiệp khi các vận động viên bắt đầu tranh tài lúc 3 giờ”, anh Lâm kể.
Được trang tin webthethao.vn giao phụ trách mảng thể thao trên địa bàn thành phố, Nguyễn Viết Định có nhiều năm gắn bó với bóng đá Đà Nẵng. Đam mê bóng đá nên các hoạt động của bóng đá Đà Nẵng từ các lứa cầu thủ trẻ thuộc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng đến CLB SHB Đà Nẵng, anh Định đều theo sát. “Nghề phóng viên thể thao có những niềm vui, nỗi buồn riêng. Tuy nhiên, tôi hạnh phúc khi công việc và đam mê là một. Được giao phụ trách mảng thể thao tại địa bàn Đà Nẵng, với tôi là may mắn. Tôi mong muốn được gắn bó với nghề, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của phong trào bóng đá nói riêng và thể thao Đà Nẵng nói chung”, anh Định bày tỏ.
PHI NÔNG