Thể thao
Lồng ghép các giải thể thao vào lễ hội truyền thống
Những năm qua, các đơn vị, địa phương cùng thành phố đẩy mạnh lồng ghép các giải đấu thể thao vào lễ hội văn hóa truyền thống. Điều này làm tăng sự hấp dẫn, thú vị cho các lễ hội, đồng thời góp phần lan tỏa phong trào tập luyện, thi đấu thể dục - thể thao ở cơ sở.
Các vận động viên tranh tài sôi nổi tại giải đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò do quận Ngũ Hành Sơn tổ chức trong khuôn khổ lễ hội Quán Thế Âm. Ảnh: P.N |
Giải bóng chuyền bãi biển ngư dân phường Mân Thái (quận Sơn Trà) vừa diễn ra sôi nổi, hấp dẫn với sự tham dự của hơn 100 vận động viên (VĐV) đến từ các đội bóng chuyền: Hoàng Sa, Trường Sa, Lăng Ông, Làng Chài, Kéo Lưới và Mân Thái. Giải đấu mang đến sự hứng khởi cho các VĐV khi được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội cầu ngư, các VĐV tham dự là ngư dân của phường Mân Thái.
Anh Trương Văn Hùng, VĐV đội tuyển bóng chuyền bãi biển phường Mân Thái cho hay: “Giải bóng chuyền bãi biển dần trở thành ngày hội của các ngư dân trên địa bàn phường. Hằng năm, vào dịp lễ hội cầu ngư, các VĐV hào hứng tham dự giải. Đây là dịp để các ngư dân trên địa bàn phường giao lưu, vui chơi thể thao, tạo nên không khí sôi nổi, hấp dẫn trong những ngày diễn ra lễ hội cầu ngư. Để tham dự giải, các đội bóng nỗ lực tập luyện nghiêm túc hướng đến kết quả tốt nhất”.
Cũng trong khuôn khổ lễ hội cầu ngư năm 2023, quận Sơn Trà tổ chức giải thể thao cho các phường trên địa bàn quận tranh tài ở 5 môn thi đấu, gồm: gánh cá, đẩy gậy, bơi thúng, kéo co và bóng chuyền bãi biển. Đây là những môn thi đấu gắn liền với văn hóa vùng biển. Qua thời gian tranh tài sôi nổi, ban tổ chức trao giải Nhất, Nhì, Ba cho các cá nhân và tập thể. Trong đó, phường Nại Hiên Đông xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn; giải Nhì thuộc về phường Mân Thái và giải Ba thuộc về phường Phước Mỹ.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (VH-TT&TT) quận Sơn Trà Vũ Thế Hệ, việc lồng ghép các giải đấu thể thao vào lễ hội văn hóa truyền thống được quận triển khai thường xuyên, mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh việc lan tỏa phong trào tập luyện, thi đấu thể dục - thể thao trong quần chúng, các giải đấu thể thao còn giúp cho không khí lễ hội diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Qua đó, góp phần giới thiệu, bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phát huy nét đẹp văn hóa cộng đồng trong đời sống hiện đại, trở thành điểm hẹn văn hóa, thể thao đặc sắc cho người dân, du khách.
Cùng với quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn đẩy mạnh tổ chức giải đấu thể thao trong các lễ hội văn hóa truyền thống. Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ hội có quy mô lớn diễn ra trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn thu hút đông đảo du khách khắp nơi tìm đến. Trong khuôn khổ lễ hội năm nay, quận Ngũ Hành Sơn tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò. Giải có 10 đội đua đến từ các quận: Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang và các phường: Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý của quận Ngũ Hành Sơn tham dự. Đây là lần đầu tiên giải đua thuyền trong khuôn khổ lễ hội Quán Thế Âm có sự tham gia đầy đủ của các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Giải diễn ra sôi nổi, các đội thi hào hứng, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách khi tham dự lễ hội.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT quận Ngũ Hành Sơn Huỳnh Bá Dương, đua thuyền là một môn thể thao sông nước, gắn liền với những lễ hội truyền thống của dân tộc. Vì thế, quận duy trì tổ chức giải đua thuyền trong khuôn khổ lễ hội Quán Thế Âm. Đây là dịp để bà con các địa phương trong thành phố được gặp gỡ, giao lưu, vui chơi giải trí lành mạnh, tạo mối đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Ngoài ra, hằng năm, quận tổ chức các giải kéo co, cờ làng trong lễ hội vu lan và lễ hội làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.
Ở huyện Hòa Vang, phong trào thể dục - thể thao trong quần chúng nhân dân cũng diễn ra sôi nổi. Hằng năm, huyện tổ chức các giải đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền trong các lễ hội truyền thống của làng như: lễ hội đình làng Túy Loan, Bồ Bản, Huởng Phước, Trường Định cho người dân tham gia sôi nổi. Ngoài ra, trong các lễ hội văn hóa - thể thao của người Cơ tu, các giải kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo... cũng diễn ra hấp dẫn.
Anh Nguyễn Khánh Hòa (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Giải đấu thể thao trong các lễ hội truyền thống của đình làng mang đến nhiều điều thú vị. Đây là cơ hội để các VĐV là người dân của làng giao lưu, học hỏi, tăng cường đoàn kết hướng đến xây dựng làng xã tốt đẹp hơn”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao, các lễ hội văn hóa truyền thống có hai phần là phần lễ và phần hội. Với phần hội, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố làm tốt việc lồng ghép tổ chức các giải đấu thể thao. Những môn thể thao truyền thống như bóng chuyền, đua thuyền, đẩy gậy, cờ làng… được tổ chức trong không khí vui tươi, sôi nổi. Điều làm nên tính hấp dẫn, thú vị của các giải đấu thể thao trong dịp lễ hội là quy tụ được đông đảo VĐV và người dân, du khách tham gia thi đấu, cổ vũ. Qua đó, vừa tôn vinh được các giá trị văn hóa của lễ hội vừa thúc đẩy sự phát triển của các phong trào thể dục - thể thao.
PHI NÔNG