Cùng với vận động viên (VĐV) các địa phương trên cả nước, VĐV thể thao thành tích cao Đà Nẵng được triệu tập lên đội tuyển quốc gia đang nỗ lực tập luyện, hướng đến mục tiêu giành vé dự Olympic Paris 2024.
Phạm Thị Huệ (ngoài cùng bên trái) là một trong hai vận động viên của Đà Nẵng được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù hướng đến mục tiêu cạnh tranh vé dự Olympic Paris 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thế vận hội Olympic 2024 diễn ra từ ngày 26-7 đến 11-8 tại Paris (Pháp) với sự tham dự của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, thể thao Việt Nam có 4 VĐV giành vé đến Pháp gồm: Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng). Các VĐV còn lại nỗ lực tập luyện, thi đấu từ nay đến tháng 6 nhằm cạnh tranh suất dự Olympic Paris 2024. Để đạt mục tiêu giành 12-15 vé tham dự, 89 thành viên, trong đó có 65 VĐV của các đội tuyển gồm: bơi, điền kinh, cầu lông, xe đạp, bắn súng, bắn cung, bóng bàn, quyền anh, taekwondo, judo, cử tạ, canoeng, rowing, thể dục dụng cụ được đưa vào danh sách VĐV hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù. Cụ thể, các VĐV được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày, gấp đôi so với bình thường là 320.000 đồng/người/ngày.
Trong nhóm VĐV trọng điểm được đầu tư hướng đến Olympic Paris 2024 thuộc các đội tuyển quốc gia, Đà Nẵng có 2 VĐV là Phạm Thị Huệ (rowing) và Trần Thị Ánh Tuyết (taekwondo). Đây là hai niềm kỳ vọng lớn nhất của thể thao Đà Nẵng hướng đến Thế vận hội. Ánh Tuyết được biết đến là gương mặt vàng của taekwondo Đà Nẵng. Bén duyên với taekwondo vào năm 2014 qua sự giới thiệu của thầy dạy thể dục ở trường THPT, không ngần ngại, Ánh Tuyết quyết tâm theo đuổi môn thể thao này đến cùng, dẫu trước đó cô không biết về taekwondo. Trưởng thành từ Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV Đà Nẵng, Ánh Tuyết liên tục giành huy chương cao quý tại các giải taekwondo vô địch quốc gia. Nhiều năm qua, Ánh Tuyết thường xuyên được triệu tập lên đội tuyển quốc gia và gặt hái thành công. Năm 2023, cô giành 1 huy chương Bạc (HCB) tại SEA Games 32 và 1 HCB tại giải Taekwondo Grand Prix.
Hiện Ánh Tuyết đang tập trung đội tuyển taekwondo cùng các đồng đội gồm: Trương Thị Kim Tuyền, Bạc Thị Khiêm, Nguyễn Hồng Trọng. Sau khi tập huấn và thi đấu cọ xát tại Hàn Quốc, Ánh Tuyết trở về tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Từ ngày 15 đến 16-3, taekwondo Việt Nam dự vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực châu Á tại Trung Quốc. Đây là cơ hội cuối cùng để Ánh Tuyết và đồng đội giành vé dự Thế vận hội. Cùng với Ánh Tuyết, Phạm Thị Huệ nỗ lực tập luyện cùng các VĐV đội tuyển rowing tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Vòng loại khu vực châu Á diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 4 tới là cơ hội để các VĐV môn rowing giành vé dự Olympic Paris 2024. Ngoài Phạm Thị Huệ, các VĐV đội tuyển rowing quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù gồm: Đinh Thị Hảo, Phạm Thị Thảo, Lường Thị Thảo, Nguyễn Văn Hiếu, Hồ Thị Duy.
Trong đội tuyển rowing nữ quốc gia, Phạm Thị Huệ, là “chị cả”. Sự nghiệp của Phạm Thị Huệ rất đồ sộ: 1 huy chương Vàng (HCV), 1 HCB tại SEA Games 26 năm 2011, 2 HCB Asiad năm 2013, 2 HCV SEA Games 28 năm 2015, 1 HCB tại SEA Games 30 năm 2019, 2 lần giành vé đến Olympic, 3 HCV tại SEA Games 31, 2 huy chương Đồng tại Asiad 19. Điểm mạnh của Phạm Thị Huệ là khi bước vào các cuộc tranh tài, cô luôn xung trận với tinh thần quả cảm, bình tĩnh và đầy bản lĩnh. Chính vì thế, VĐV Đà Nẵng trở thành người truyền cảm hứng của đội tuyển và là niềm kỳ vọng số 1 của rowing Việt Nam.
Phạm Thị Huệ cho biết: “Sau Asiad 19, tôi trở lại tập luyện hướng đến mục tiêu giành vé dự Olympic Paris 2024. Đây là mục tiêu không dễ dàng, bởi vòng loại Olympic có sự cạnh tranh quyết liệt từ các VĐV xuất sắc. Tuy nhiên, tôi và các đồng đội sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình để giành kết quả tốt nhất. Thành tích giành 2 HCĐ tại Asiad 19 trong năm 2023 và 2 lần giành vé dự Olympic trong quá khứ là động lực để tôi phấn đấu, góp phần mang vinh quang về cho thể thao Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung”.
PHI NÔNG