.

Người Mỹ cũng bắt đầu lên cơn sốt bóng đá nhờ World Cup

.

Trận hòa đầy kịch tính giữa Mỹ và Bồ Đào Nha tại vòng đấu bảng World Cup 2014 đã trở thành trận túc cầu có lượng người xem đông nhất trong lịch sử nước Mỹ, làm dấy lên hy vọng rằng môn thể thao vua này rốt cuộc đã tìm được đường chinh phục một trong những thị trường khó khăn nhất.

Các cổ động viên Mỹ chụp ảnh trước trận đấu giữa Mỹ gặp Bồ Đào Nha tại bảng G trên sân Amazonia Arena, ở Manaus (Braxin) ngày 23-6. AFP/TTXVN
Các cổ động viên Mỹ chụp ảnh trước trận đấu giữa Mỹ gặp Bồ Đào Nha tại bảng G trên sân Amazonia Arena, ở Manaus (Braxin) ngày 23-6.

Tính trung bình đã có khoảng 24,7 triệu khán giả Mỹ xem trận đấu này trên kênh ESPN hoặc mạng lưới truyền hình bằng tiếng Tây Ban Nha Univision ngày 22-6 vừa qua. Con số 18,2 triệu khán giả theo dõi trận Mỹ-Bồ Đào Nha qua kênh ESPN được coi là mức cao nhất cho một môn thể thao ngoài bóng đá Mỹ từ trước đến nay.

Là môn thể thao được yêu chuộng nhất hành tinh nhưng bóng đá lại gặp nhiều thăng trầm ở xứ cờ hoa nơi người dân vốn chỉ "tôn thờ" bóng đá Mỹ, bóng chày và bóng rổ.

Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) từng trao quyền tổ chức World Cup 1994 cho Mỹ nhưng sự kiện này cũng không giúp đẩy số lượng người hâm mộ bóng đá ở Mỹ lên như mong đợi.

Tuy vậy, sự quan tâm của khán giả Mỹ dành cho môn bóng đá nam bắt đầu được cải thiện nhờ sự đầu tư vào các câu lạc bộ trong nước cũng như quyết định của Đài truyền hình Mỹ NBC truyền toàn bộ 380 trận bóng đá Giải ngoại hạng Anh.

Ngoài ra, việc World Cup 2014 được tổ chức ở Brazil có múi giờ không chênh lệch đáng kể so với Mỹ cũng tạo điều kiện cho nhiều khán giả Mỹ theo dõi được các trận đấu.

Bên cạnh đó, cho đến thời điểm này, World Cup 2014 đang có nhiều bàn thắng mỗi trận hơn so với World Cup 2010 tại Nam Phi và điều này cũng góp phần khiến bóng đá hấp dẫn hơn trong mắt người Mỹ.

TTXVN

;
.
.
.
.
.