.

Vẫn là nỗi lo trọng tài!

.

Từ ngày 22 đến 25-4, lớp tập huấn giám sát, trọng tài, trợ lý trọng tài giai đoạn 2 V-League và giải hạng nhất 2012 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng nhằm đánh giá những ưu, khuyết điểm, đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác điều hành trọng tài ở giai đoạn lượt đi. Sẽ có 14 giám sát trọng tài cùng 104 trọng tài, trợ lý trọng tài tham dự.

Những sai lầm của trọng tài đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu SHB Đà Nẵng (vớ trắng) - Kiên Giang (vớ sẫm).
Những sai lầm của trọng tài đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu SHB Đà Nẵng (vớ trắng) - Kiên Giang (vớ sẫm).

Không ngẫu nhiên khi có rất nhiều đội bóng kêu ca về công tác trọng tài ở giai đoạn 1, trên cả sân cỏ V-League lẫn giải hạng nhất 2012. Đỉnh điểm của những phản ứng là đơn kiến nghị xem xét lại công tác điều hành giải của CLB SHB Đà Nẵng sau những sai sót nghiêm trọng của một số trọng tài. Ngay Trưởng Ban tổ chức V-League Trần Duy Ly cũng thừa nhận: “Trong cuộc họp sơ kết lượt đi, phần lớn các thành viên tham dự cuộc họp đều cho rằng, công tác trọng tài chưa tốt. Có những trận đấu, vòng đấu trọng tài mắc sai sót, khiến đội bóng và dư luận phản ứng...”.

Theo báo cáo sơ kết giai đoạn 1, có đến 14 sự cố liên quan đến công tác trọng tài, bằng tổng số sự cố trọng tài của 2 mùa giải trước cộng lại (khi lượt đi V-League 2010 có 6 sự cố và lượt đi V-League 2011 có 8 sự cố). Nổi lên ở các lượt đấu thứ 1, 2 và nhất là lượt trận thứ 7, có đến 4 trận đấu mà những sai số của trọng tài ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu, đặc biệt là các trận Vicem Hải Phòng - Sông Lam Nghệ An và Ninh Bình - Hà Nội T&T. Ở lượt đấu thứ 8 và 9, các tổ trọng tài điều hành trên các sân Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đều chưa đạt yêu cầu, “mắc sai sót đáng tiếc” như đánh giá.

Tại giải hạng nhất, CLB Hà Nội cũng gửi đơn đến Ban tổ chức chỉ trích công tác trọng tài “có vấn đề” khi cố tình xử ép họ trong ít nhất 5 trận. Nổi cộm là trong 3 trận đấu TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội 2-1 (vòng 12, trọng tài Nguyễn Đình Tiến Dũng bắt chính), trận Đồng Nai - Hà Nội 1-2 (vòng 10, trọng tài Phạm Ngọc Hồng bắt chính) và trận ĐTLA - Hà Nội 1-2 (vòng 6, trọng tài Nguyễn Quốc Hùng bắt chính).

Có thể sẽ hơi quá nếu đánh giá công tác trọng tài bằng từ “vấn nạn”, song thật khó để thông cảm khi cái điệp khúc “trọng tài cũng là con người” hay “sai sót của trọng tài cũng là một phần của trận đấu”... cứ lặp đi, lặp lại.

Bước vào cuộc chơi chuyên nghiệp, hầu như các CLB đều không ngần ngại đầu tư cả công sức lẫn tiền bạc để đạt mục tiêu giành thành tích cao nhất có thể. Thế nhưng, không ít trường hợp nỗ lực của một tập thể suốt thời gian dài bị đổ sông, đổ bể sau một quyết định sai lầm của trọng tài.

Bất chấp khi hình thành Ban Trọng tài, thay thế Hội đồng Trọng tài quốc gia, mọi người vẫn nói với nhau rằng, không sợ năng lực kém, chỉ sợ tâm không sáng. Song, đến lúc này, dư luận vẫn có quyền ngờ vực khi một số CLB của một vài “ông chủ” VPF được hưởng lợi từ những tiếng còi “rè” của không ít trọng tài.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác trọng tài, ông Trần Duy Ly cho biết, trong đợt tập huấn này, Ban tổ chức giải và Ban Trọng tài sẽ quán triệt tư tưởng, uốn nắn tâm lý cho các trọng tài. Thế nhưng, để giữ được cái tâm mới quan trọng. Và điều này vẫn tùy thuộc rất nhiều vào chính cái tâm của những nhà điều hành... Nếu không, nỗi lo trọng tài vẫn cứ là điệp khúc trên sân cỏ Việt Nam.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.