Bóng đá Việt Nam
Bóng đá Đà Nẵng và những dấu son
Mơ ước bao năm của người hâm mộ Đà Nẵng rồi cũng thành hiện thực khi mùa bóng 2001, CLB Bóng đá Đà Nẵng trở lại đỉnh cao với việc giành được chiếc vé lên chơi hạng nhất.
Các cầu thủ SHB Đà Nẵng đã kế thừa xứng đáng truyền thống vẻ vang của bóng đá Đà Nẵng khi 2 lần đăng quang V-League (2009, 2012). TRONG ẢNH: Lễ mừng công của CLB SHB Đà Nẵng sau khi lần thứ hai giành danh hiệu vô địch V-League. Ảnh: NGUYÊN AN |
Bởi lẽ, sau bản án kỷ luật từ năm 1985, những nỗ lực liên tục bất thành khiến sự ảm đạm kéo dài với bóng đá Đà Nẵng.
Ngay từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng luôn là một thế lực đúng nghĩa trên sân cỏ nước nhà. Vô địch giải Bóng đá Trường Sơn “Mừng Tổ quốc thống nhất - 1976”, 3 lần á quân giải các đội mạnh toàn quốc (1987, 1990, 1991), vô địch quốc gia năm 1992, đoạt Cúp quốc gia 1993 hay vô địch giải Bóng đá cúp Bác Tôn 1988, cùng không ít lần giành ngôi quán quân giải Bóng đá khu vực 2… là những thành quả của bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng. Chính những chiến tích ấy đã biến sân Chi Lăng thành một “chảo lửa” đúng nghĩa khi những khán đài được lắp ghép bằng những tấm ri sắt luôn đông nghịt người xem vào cuối tuần.
Khó ai quên được cảnh khán giả xếp hàng rồng rắn từ ngã tư Hùng Vương - Ông Ích Khiêm hay ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thị Minh Khai… kéo đến đường Ngô Gia Tự từ lúc giữa trưa chỉ để được vào sân, dù trận đấu khởi tranh lúc 19 giờ. Tình yêu ấy, niềm đam mê ấy càng khiến giới mộ điệu thêm u uất khi nốt trầm của bóng đá Đà Nẵng kéo quá dài. Mãi đến năm 1997, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bóng đá sông Hàn mới có được những điểm sáng nhất định.
Đã có những nỗ lực tái thiết nhưng bóng đá Đà Nẵng không dễ thành công, dù được lãnh đạo thành phố quan tâm hết mực. Trong mùa bóng 2000, khi chia tách hạng, CLB Bóng đá Đà Nẵng thất bại trong việc giành quyền thăng hạng. Nhưng chỉ một năm sau, với cách làm rất riêng, Đà Nẵng đã trở lại với sân chơi chuyên nghiệp.
Không chỉ mời gọi những HLV danh tiếng như Nguyễn Văn Vinh, Trần Văn Phúc, Lê Thụy Hải…; hay thu hút những tài năng sân cỏ như Lê Hồng Minh, Nguyễn Mạnh Dũng, Giang Thành Thông, Lê Huỳnh Đức… theo chủ trương “chiêu hiền, đãi sĩ” của thành phố, bóng đá Đà Nẵng còn hình thành Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ.
Chính việc sử dụng những nhà chuyên môn như các ông Nguyễn Văn Mùi, Phạm Phú Hùng vào công tác đào tạo trẻ hoặc đưa Phó Giám đốc Sở Thể dục thể thao Bùi Xuân Hòa cùng ông Vũ Duy Hưng sang chuyên trách CLB Bóng đá Đà Nẵng, bóng đá sông Hàn bắt đầu tạo dựng được nền tảng phát triển vững chắc.
Lần lượt Phan Thanh Phúc, Lê Quang Cường rồi Võ Hoàng Quãng, Châu Lê Phước Vĩnh, Huỳnh Quốc Anh, Phan Thanh Hưng… cho đến Võ Huy Toàn, Hoàng Minh Tâm, Hồ Ngọc Thắng… trưởng thành, trở thành những trụ cột của bóng đá Đà Nẵng những năm qua.
Cũng với tầm nhìn của thành phố, năm 2008, bóng đá Đà Nẵng được chuyển giao cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội (SH Bank) và CLB được mang tên SHB Đà Nẵng, để trở thành một trong những CLB bóng đá đầu tiên không còn sống bằng “bầu sữa” của ngân sách Nhà nước. Không ngoa để nói rằng, đây là cuộc “cách mạng” của bóng đá sông Hàn, tạo tiền đề cần thiết để CLB SHB Đà Nẵng từng bước chuyên nghiệp hóa.
Liên tiếp các năm 2009, 2012, HLV Lê Huỳnh Đức đã đưa CLB SHB Đà Nẵng đăng quang ngôi vô địch V-League. Mở màn mùa bóng 2013, SHB Đà Nẵng hoàn thành mục tiêu giành siêu Cúp, sau chiến thắng 4-0 trước Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn. Những chiến tích ấy càng khẳng định rõ nét hơn những thay đổi tích cực của bóng đá Đà Nẵng qua từng năm tháng.
Có thể sẽ có những bước thăng trầm do tác động từ nhiều yếu tố nhưng chắc chắn tình yêu của giới mộ điệu túc cầu dành cho bóng đá Đà Nẵng là mãi mãi. Bên cạnh đó, sự quan tâm với tất cả trách nhiệm của lãnh đạo các cấp cũng là “điểm tựa” cho những bứt phá của CLB SHB Đà Nẵng, bởi bóng đá Đà Nẵng luôn là “đầu tàu” của bóng đá miền Trung.
BẢO AN