Bóng đá Việt Nam
Thua toàn diện
Một lối chơi phòng ngự tiêu cực, không cần phản công, mọi vị trí trên sân sẵn sàng phạm lỗi và thể hiện một gương mặt hết sức xấu xí… là những gì mà các học trò của ông Toshiya Miura trình diễn trên sân Rajamangala vào tối 24-5.
Từ thái độ tiêu cực trước Thái Lan (áo xanh), đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) phải trả giá bằng bàn thua từ cú sút của Pokklaw Anan. Ảnh: footballchannel.asia |
Kể từ năm 1995 đến nay, có đến 2 lần đội tuyển Việt Nam đánh bại được Thái Lan (thắng 3-0 tại Tiger Cup 1998 và 2-1 tại AFF Cup 2008). Điều đó nói lên rằng, kết quả sẽ tích cực hơn nếu các tuyển thủ dám chơi thứ bóng đá sòng phẳng cùng người Thái. Không những thế, hai chiến thắng - dù ít ỏi - tưởng chừng đã giúp bóng đá Việt Nam cởi bỏ được tâm lý tự ti khi đối đầu Thái Lan. Thế nhưng, sau trận thua 0-1 ở vòng loại World Cup 2018 (bảng F), một sự thật đáng buồn đã được phô bày rõ nét.
Một lối chơi phòng ngự tiêu cực, không cần phản công, mọi vị trí trên sân sẵn sàng phạm lỗi và thể hiện một gương mặt hết sức xấu xí… là những gì mà các học trò của ông Toshiya Miura trình diễn trên sân Rajamangala vào tối 24-5. Chính điều này khiến đội tuyển Việt Nam phải trả giá bằng chiếc thẻ đỏ của Minh Châu và không thể hoàn thành mục tiêu: giành được trận hòa trên sân khách.
Không phải người Thái không biết cách khoét sâu vào huyệt tử của đội tuyển Việt Nam. Sau những khoảng thời gian cầm bóng phối hợp, các cầu thủ chủ sân không thực hiện những bài tấn công biên hoặc tạt bóng bổng vào trung lộ, mà liên tục tạo đột biến bằng những đường chuyền dài ra sau lưng tuyến phòng thủ đội tuyển Việt Nam. Chính việc buộc các hậu vệ đội tuyển Việt Nam phải đuổi theo những đường bóng ấy, Thái Lan sớm phá được hệ thống phòng ngự số đông và không ít lần tiếp cận được cầu môn đội khách.
Chỉ nhờ may mắn cùng những pha xử lý thiếu tinh tế của Ekkachai Samre, Wichaya Sanrawat Dechmitr và sự xuất sắc của thủ môn Tô Vĩnh Lợi, khung thành của đội tuyển Việt Nam mới có thể đứng vững đến gần cuối trận. Khi thể lực cạn kiệt, hết quyền thay người và quân số thua kém sau thẻ đỏ của Minh Châu, cái thua của đội tuyển Việt Nam là tất yếu từ một bài tấn công biên quen thuộc của Thái Lan.
Đáng nói hơn, những cầu thủ Thái Lan vào sân từ ghế dự bị như Pokklaw Anan (thay Wichaya Sanrawat Dechmitr, phút 66) hay Adisak Kraisorn (thay Kroekrit Taweekarn, phút 76) lại trở thành những cầu thủ có thể gây “sát thương” cho đội tuyển Việt Nam mà Pokklaw Anan chính là người tung lưới Tô Vĩnh Lợi ở phút 81.
Có thể qua một trận đấu, càng thấy rõ hơn sự khác biệt từ cách xây dựng của hai nền bóng đá, chứ không chỉ gói gọn ở một trận cầu cụ thể.
Nếu người Thái làm bóng đá có tính chiến lược thì chúng ta vẫn cứ loay hoay với cách làm quen thuộc theo kiểu “bóc ngắn, cắn dài” và cứ ảo tưởng về sức mạnh của mình, căn cứ vào bảng xếp hạng của FIFA! Chỉ mới có một lứa U-19 “xem được”, rất nhiều người đã nghĩ đến việc “đánh bại Thái Lan ở một tương lai gần”. Thế nhưng, hiếm người biết rằng, trước Việt Nam 3 năm, Thái Lan từng có Học viện Arsenal - JMG Thái Lan. Song, với cách đào tạo chỉ chú trọng đến tiền đạo và tiền vệ mà không đào tạo hậu vệ hay thủ môn, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan đã hủy bỏ chương trình liên kết, trở lại với cách làm riêng, phù hợp với mô hình phát triển của bóng đá Thái Lan.
Với cách phát triển căn cơ, không chỉ dựa trên nền tảng của bóng đá học đường, người Thái còn chăm chút cho từng CLB để làm nền tảng phát triển cho đội tuyển quốc gia. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam cứ ảo tưởng và chỉ trông đợi một lứa cầu thủ “gà nòi” cùng sự thiếu quan tâm từ những nhà lãnh đạo với sự phát triển của các CLB. Chính sự khác biệt quá lớn ấy khiến cái gốc của bóng đá Việt Nam không thể so sánh với bóng đá Thái Lan và tất cả được biểu hiện rõ nhất sau trận thua “đắng lòng” vừa qua.
BẢO AN