Bóng đá Việt Nam
Chống ai? Ai chống?
Chuẩn bị cho mùa bóng mới 2016 sắp khởi tranh, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã phát đi một tín hiệu lạc quan, khi đặt vấn đề phối hợp cùng Sportradar trong nỗ lực chống tiêu cực trên sân cỏ nước nhà.
Việc HAGL (áo xanh) bị “bỏ sót” trong các nghi án tiêu cực khiến niềm tin của người hâm mộ vào VFF và VPF vẫn là dấu hỏi. |
Sportradar là một tổ chức hàng đầu trong việc phổ biến, tận dụng sức mạnh của dữ liệu thể thao và nội dung số cho khách hàng trên toàn thế giới. Tổ chức này có trụ sở ở Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, cung cấp các giải pháp và dịch vụ tiên tiến cho các liên đoàn thể thao và các cơ quan của nhiều quốc gia.
Sportradar hiện là đối tác của nhiều nền bóng đá quốc gia, châu lục, các giải đấu của FIFA, AFC... nhằm phát hiện những trận đấu bất thường và có thể cung cấp bằng chứng, các số liệu chi tiết cho từng trận đấu.
Với các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, Sportradar sẽ xây dựng các phần mềm quản trị giải đấu, có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả cho công tác quản lý, lưu trữ các thông tin dữ liệu trước, trong và sau trận đấu. Dĩ nhiên tất cả vẫn chờ quyết định cuối cùng từ Hội đồng Quản trị VPF trước khi mối quan hệ hợp tác được triển khai.
Đây là tín hiệu tích cực từ những nhà quản lý và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhằm bảo đảm sự trong sáng, lành mạnh và tính trung thực cho bóng đá nước nhà. Thế nhưng, để hiện thực hóa nỗ lực chống tiêu cực, sẽ không đơn giản như mong muốn.
Giữa mùa bóng vừa qua, đại diện Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Cục Đối ngoại (Bộ Công an) cũng tổ chức Hội nghị phát triển hợp tác về chống tiêu cực và dàn xếp tỷ số trong bóng đá.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, hàng loạt trận đấu bị xem là “có vấn đề” vẫn tiếp tục diễn ra trên sân cỏ Việt Nam, bất chấp sự phẫn nộ của người hâm mộ chân chính cũng như các nhà chuyên môn.
Nổi bật trong số đó là cuộc vượt thoát thành công của Hoàng Anh Gia Lai, đội bóng của ông Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức khi lần lượt đánh bại rất nhiều đối thủ mạnh ở những vòng đấu quyết định như Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Hà Nội T&T! Đến mức HLV Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T) cũng không thể giải thích được lý do các học trò của ông lại để Hoàng Anh Gia Lai lội ngược dòng khá dễ dàng ở hiệp hai, dù Hà Nội T&T chiếm ưu thế tuyệt đối trong suốt hiệp một. Hay việc cổ động viên Hải Phòng phản ứng quyết liệt trước biểu hiện tiêu cực của chính đội nhà cũng không được VFF lẫn VPF đưa ra kết luận chính thức và đủ sức thuyết phục.
Vì thế, dù rất muốn nhưng không mấy người tin vào hiệu quả mang lại từ những nỗ lực chống tiêu cực sân cỏ, như phát biểu của lãnh đạo VPF lẫn VFF.
Thực chất, những kết quả đạt được trong việc chống tiêu cực sân cỏ lâu nay vẫn dựa vào năng lực điều tra của cơ quan Công an, căn cứ vào các tội danh “đánh bạc” hoặc “tổ chức đánh bạc” của một vài cầu thủ hoặc một nhóm cầu thủ. Trong khi đó, VFF lẫn VPF hầu như vẫn “án binh bất động” và chưa có một bản án thích đáng nào cho những trận đấu “có mùi” theo kiểu “xin - cho”, dù chứng cứ khá rõ ràng!
Đến lúc này, câu hỏi về vai trò của VFF, VPF cũng như tự thân các đội bóng trong việc chống tiêu cực sân cỏ đã được đặt ra. Niềm tin về một mùa giải trong sạch liệu có bị “đánh cược” hay không, nếu vẫn chưa xác định được mục tiêu và chủ thể của cuộc chiến chống tiêu cực trên sân cỏ Việt Nam.
Bài và ảnh: NGUYÊN AN