Y tế - Sức khỏe

Tư vấn sức khỏe:

Bệnh tay-chân-miệng

13:22, 02/04/2008 (GMT+7)

Gọi là bệnh tay-chân-miệng vì các biểu hiện của bệnh tập trung chủ yếu tại ba bộ phận này. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, nhưng thực ra thì tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh và trở thành đối tượng mang mầm bệnh, tuy không có các biểu hiện mắc bệnh.

Bệnh tay-chân-miệng là một bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan ở mức độ trung bình và có thể bùng phát thành dịch trong các tháng hè thu. Bệnh lây trực tiếp từ người sang người qua các dịch tiết đường hô hấp, phân hoặc chất dịch của mụn nước nổi trên tay-chân-miệng, nhất là trong tuần lễ đầu tiên biểu hiện bệnh.

Thủ phạm gây bệnh tay-chân-miệng là nhóm virus đường ruột (Enterovirus); tuy bệnh có tạo miễn dịch, nhưng vẫn tái mắc các virus khác trong nhóm gây ra; thời gian ủ bệnh ngắn (từ 3-7 ngày). Các biểu hiện ban đầu không có gì đặc biệt như mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, nổi ban đỏ và mụn nước. nên dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm da mụn nước, thủy đậu hoặc sốt phát ban và nhiễm siêu vi khác.

Mụn nước thường gặp ở lòng bàn tay, bàn chân, cũng có thể thấy ở cánh tay và cẳng chân. Khi mụn nước mọc trong miệng và tạo thành vết loét trên lưỡi, trên lợi răng, trên vòm họng khiến cho trẻ nuốt đau, dễ gây ngộ nhận cho các bậc phụ huynh là trẻ đang viêm họng. Trong giai đoạn cấp, ngoài các biểu hiện trên, còn có thể thấy các biểu hiện không điển hình khác như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sổ mũi, ho, nổi hạch cổ hoặc dưới hàm.

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tay-chân-miệng là sự xâm nhập của virus vào hệ thần kinh trung ương, gây nên các biểu hiện bệnh lý về mặt tri giác như lơ mơ, li bì, hôn mê, co giật có khả năng dẫn đến tử vong hoặc sống sót nhờ điều trị tích cực nhưng để lại các di chứng về tâm thần kinh kéo dài.

Bệnh tay-chân-miệng, thông thường bệnh diễn biến lành tính, không có biến chứng và bệnh nhân bình phục sau thời khoảng 7 đến 10 ngày. Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào khẳng định phụ nữ mang thai nhiễm căn bệnh này sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như gây ra các dị tật bẩm sinh cho trẻ, sẩy thai hoặc chết sơ sinh...

Hiện nay, bệnh tay-chân-miệng chưa có các thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chỉ nhằm vào hạn chế các triệu chứng như sốt, đau nhức và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân; việc kiêng cử gió và ánh sáng là không cần thiết. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được vệ sinh sạch sẽ hằng ngày như súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn, vệ sinh da bằng tắm nước ấm, nhưng tránh làm vỡ các mụn nước trên da, thay áo quần sạch sẽ.

Cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay khi thấy có biểu hiện nghi ngờ bệnh nặng như sốt cao, co giật, rối loạn tri giác (li bì, lơ mơ, hôn mê) hoặc các mụn nước có mủ, máu.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, nên việc phòng bệnh chủ yếu tập trung vào vệ sinh thân thể tốt, chú ý rửa tay thường xuyên, sát khuẩn các dụng cụ vấy bẩn chất tiết bệnh nhân bằng dung dịch Chloramine, không nên tiếp xúc quá gần gũi bệnh nhân như ôm hôn, dùng chung vật dụng sinh hoạt.

Ths.Bs. MAI HỮU PHƯỚC

.