.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2

Vượt qua tập tục.

.

Qua được con sông Nam nhỏ bé vắt ngang qua hai thôn dân tộc Cơtu Giàn Bí và Tà Lang của xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang vẫn còn là một nỗi nhọc nhằn. Nhọc nhằn hơn khi con người muốn bước qua những tập tục không dễ chối bỏ một sớm một chiều. Nhưng, có một người…

Anh về nhận công tác ở xã Hòa Bắc từ năm 1989. Hai năm sau đã đảm nhận chức vụ Trưởng trạm Y tế xã Hòa Bắc. Lúc đó, nghe tên xã đã thấy xa xôi, huống chi là các thôn dân tộc. Không chỉ xa về mặt địa lý, mà cả trong suy nghĩ của mỗi con người. Lúc đó, Tà Lang vẫn còn là một thôn bé nhỏ nằm tít trong núi. Cái đói, cái khổ triền miên do một thời chiến tranh phải đưa làng đi du canh du cư bám lấy từng thân phận.

Bác sĩ Hiệp trong một buổi tập huấn cho bà con xã Hòa Bắc.

Cái chết vì đạn bom đã thôi rình rập, nhưng tử thần từ những căn bệnh hiểm nghèo như sốt rét, thương hàn, tả lỵ… vẫn chưa buông tha những người dân ở đây. Cái chết luôn cận kề, nên nhiều người vẫn thường trực ý nghĩ phải làm sao có thật nhiều con; nói dại miệng, lỡ đứa này ra đi thì cũng còn đứa khác nối dõi, giữ đất, giữ rừng. Vả lại, “Trời sinh voi thì Trời sinh cỏ” thôi mà!

“Lúc đó, để cứu lấy người dân, thì bên cạnh việc chính quyền tổ chức vận động định canh định cư, sản xuất lương thực… để vượt qua cái đói, ngành y tế của chúng tôi phải vào cuộc nhằm nhanh chóng giành giật từng mạng sống từ tay tử thần đang hiện diện từng giờ” - Bác sĩ Phan Văn Hiệp nhớ lại. Đường rừng còn ngăn lối, phải vạch từng bụi cây mà đi, nhưng tháng nào những cán bộ y tế cũng phải bám trụ với thôn, hướng dẫn từ cách treo mùng đến sử dụng thuốc men…
 
Rồi cao hơn là sử dụng hóa chất để khử trùng diệt muỗi, phát quang bụi rậm, làm vệ sinh môi trường… Nói chuyện ấy bây giờ thì dễ, nhưng đối mặt với những công việc lúc đó mới thực sự khó khăn. Như người vượt sông mùa lũ! Bởi cái bản năng con người, dễ gì thuyết phục. Con người mình sinh ra có máu. Con muỗi sinh ra, lớn lên nhờ hút máu người. Trời sinh ra thế rồi! Đau ốm thì vẫn là những bài thuốc lá, những bài cúng gia truyền. Người có tội thì phải chịu trời phạt…

Thế rồi, như cái cây, có phát quang, cắm choái thì cây cũng theo hướng mặt trời mà lên chứ không tràn lan, tự nhiên cạnh tranh sinh tồn nữa. Việc kiên trì, bám riết tuyên truyền, vận động của bác sĩ Hiệp và những cộng sự đã mang lại những kết quả cụ thể, dù nhỏ nhưng hiệu quả, đã tác động trực tiếp đến mỗi người dân trong thôn.

Người này làm thì người khác cũng bắt chước làm theo. Nhiều người khi ngủ đã chịu treo mùng; việc chăn nuôi không còn thả rông tự nhiên; con cái sinh ra đã biết đến thuốc men. Đời sống vật chất và tinh thần ngày càng khá hơn, nhưng nhiều người cũng hiểu Trời sinh voi nhưng cỏ thì có hạn…

Ngồi dưới mái nhà gươl giữa thôn Tà Lang trong những ngày xuân Kỷ Sửu, bác sĩ Hiệp không giấu được niềm vui khi nhắc lại những kỷ niệm của hàng chục năm gắn bó với đồng bào dân tộc Cơtu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí. Những con số, tưởng chừng khô khan nhưng lại ghi dấu nụ cười chiến thắng của những chiến sĩ trên trận chiến của một cuộc cách mạng mới - cách mạng về y tế.

Anh cho biết, trước đây, cứ mỗi ba ngày tổ chức khám, trạm y tế của xã phát hiện 180 ca sốt xuất huyết; trong đó tập trung chủ yếu là 2 thôn dân tộc. Đến nay, toàn xã mỗi năm chỉ phát hiện khoảng 50 ca. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn ở con số 16,6%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng vì thế cũng giảm còn 19,26%...

Để có được những con số khả quan này, cùng với sự đầu tư về nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội… từ thành phố đến cơ sở, thì những nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế luôn được ghi nhận. Hiện, Trạm Y tế của xã Hòa Bắc đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2007; toàn trạm có 1 bác sĩ, 2 y sĩ và 3 y tá. Ngoài ra, từ những đợt ra quân làm công tác dân vận, một trạm quân-dân y kết hợp được hình thành cũng đã tạo nên một sức bật mới trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân tại địa phương.

Hai mươi năm gắn bó với xã miền núi Hòa Bắc khó khăn, trong đó nhiều kỷ niệm với đồng bào dân tộc Cơtu vẫn luôn theo anh. Những kỷ niệm đó cũng làm anh trăn trở khá nhiều, mặc dù đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi.

Theo anh, vẫn còn nhiều việc phải làm như tiếp tục tuyên truyền cho người dân về chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản; giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên để tạo nền tảng giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; tạo một nếp sống văn minh trong đó đưa tiêu chí giữ gìn vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân lên trên… Anh luôn tự hiểu rằng, duy trì kết quả đạt được không phải là việc dễ dàng. Người bác sĩ dạn dày kinh nghiệm này cũng tin rằng, với đà phát triển hiện nay cả về đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của người dân, công tác y tế sẽ có nhiều thuận lợi và đạt kết quả khả quan hơn.

Con sông Nam, vẫn phải lụy đò mỗi mùa nước lớn. Nhưng những tập tục lạc hậu của ngày xưa, con người đã không còn phải lụy.

ANH QUÂN-VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.