Mới đây, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố đã công bố kết quả cuộc điều tra dinh dưỡng tại 30 trường tiểu học cho thấy, nhiều trẻ em bị béo phì và đang có chiều hướng gia tăng qua từng năm.
4,9% học sinh tiểu học bị béo phì
Tập vận động trong giờ học cũng là cách giúp trẻ giảm thừa cân, béo phì . |
Có đến 210 trẻ trong tổng số 222 trẻ bị béo phì, thừa cân thuộc các trường ở khu vực nội thành, trong khi đó, chỉ có 12 trẻ em bị béo phì trên tổng số 1.350 học sinh ngoại thành được khảo sát. Tỷ lệ học sinh có nguy cơ thừa cân cũng đang gia tăng qua từng năm.
Tại một số trường tiểu học trong nội thành hiện nay, không khó để tìm một đứa trẻ học lớp 3, lớp 4 nhưng có trọng lượng trên 45kg. Các em học tập, đi lại đều khó khăn hơn so với những đứa trẻ có trọng lượng bình thường. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tình trạng béo phì ở trẻ em có liên quan đến yếu tố phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, nơi trẻ sinh sống.
Những em sống trong những gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn thì tỷ lệ người trẻ thừa cân, béo phì cũng nhiều hơn. Quan niệm sai lầm về việc đáp ứng tính háo ăn của trẻ, thói quen tùy tiện khi sử dụng các loại sữa dinh dưỡng nội, ngoại cho trẻ không theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, cùng với điều kiện kinh tế, vật chất thừa mứa, đầy đủ, con hiếm muộn, ít con… tất cả đã dẫn đến tình trạng trẻ em béo phì.
Béo phì không chỉ làm rối loạn tâm lý và xã hội do sự mặc cảm, không hài lòng về bản thân, dẫn đến xu hướng hoặc tìm cách nhịn ăn để gầy đi, hoặc ăn uống vô độ. Béo phì còn dẫn tới các biến chứng bệnh lý về tim mạch và những bệnh về viêm lồi cầu xương đùi, cong xương chày, nguy cơ gan nhiễm mỡ, đái đường…
Lời khuyên của bác sĩ
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tuy không phải tất cả trẻ em bị thừa cân, béo phì sau này đều trở thành người lớn bị béo phì, nhưng có sự liên quan chặt chẽ giữa béo phì ở trẻ em và người lớn. Nếu không cải thiện chế độ dinh dưỡng và vận động ở trẻ thì nguy cơ “quá khổ” khi lớn lên là điều có thể nhìn thấy rất rõ. Đặc biệt với các bé gái, béo phì không chỉ là căn bệnh mà còn là sự mặc cảm rất lớn về tinh thần với bạn bè trang lứa cùng cắp sách đến trường.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, cần phải tạo cho trẻ chế độ ăn thích hợp, tăng nhiều lượng rau quả, giảm tối đa lượng nước ngọt, đường, bột và giảm dần khẩu phần ăn từ từ. Thường xuyên cho trẻ giải trí, vận động thể thao nhẹ cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp trẻ giảm cân.
“Cha mẹ hoặc anh chị, người thân nên quan tâm, nâng đỡ tâm lý cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên bên cạnh trẻ để tâm sự, động viên, giải thích còn tỏ ra tích cực hơn khi tham gia và vui chơi với trẻ. Không hiếm những bậc cha mẹ mải mê công việc, bỏ mặc sự quan tâm, tình cảm với con trẻ và đặc biệt là dùng “mệnh lệnh” bắt ép trẻ em phải thế này, thế nọ dẫn tới những kết quả rất tiêu cực”, Thạc sĩ Quang nhấn mạnh.
Việc chiều chuộng con thái quá, chăm dưỡng con bất chấp lời khuyên của bác sĩ chính là nguyên nhân dẫn trẻ đến béo phì. Đây chính là mặt trái của lối sống hiện đại nhưng thiếu sự vận động và ăn uống khoa học. Nhiều trẻ em, sau khi đi học về không được bố mẹ cho ra đường nên chỉ biết ngồi lỳ trong nhà xem ti-vi, chơi game, ngủ… khiến cho tình trạng thừa cân, béo phì xảy ra với tốc độ nhanh hơn, khó kiểm soát hơn.
Bài và ảnh: DIỆU MINH