.

Người bệnh sẽ hài lòng?

.

(ĐNĐT) – Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7, nhưng đến nay, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) mới vẫn chưa thể đi vào thực tế do thiếu nghị định, thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, chương trình đi kèm “Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế xây dựng và triển khai thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT tại các đơn vị khám chữa bệnh vẫn đang trong quá trong quá trình gian nan đi tìm niềm tin của người bệnh.

Bệnh nhân vẫn còn bị phiền hà 

Bệnh nhân chờ được tư vấn dùng thuốc tại bệnh viện Đà Nẵng.

Trao đổi với ĐNĐT, bà Trần Thị Hoa Ban, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, tuy Đà Nẵng chưa có bệnh viện nào được Bộ Y tế chọn thực hiện thí điểm chương trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, song để bước đầu tạo ra tính chuyên nghiệp trong việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT nói riêng và người bệnh nói chung, Sở cũng đã triển khai đầy đủ, cụ thể kế hoạch thực hiện chương trình đến 13 đơn vị trực thuộc và 5 cơ sở y tế ngoài công lập.
 
Theo đó, các bệnh viện sẽ thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong tiếp đón, khám chữa bệnh và thanh toán viện phí, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và tiết kiệm thuốc, xét nghiệm thông qua các hoạt động như hẹn giờ khám chữa bệnh qua điện thoại, trả kết quả xét nghiệm nhiều lần trong ngày hoặc trả tại giường, trả qua bưu điện.

Tại các khoa lâm sàng, sẽ rà soát cắt bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà, hạn chế tối đa người bệnh nằm ghép, cung cấp nước sạch, đủ điều kiện vệ sinh. Đồng thời, mỗi bệnh viện sẽ có ít nhất một cán bộ thường trực tại nơi đón tiếp bệnh nhân để giải quyết kịp thời những thắc mắc của người bệnh liên quan đến BHYT.

Tuy nhiên, đối tượng phục vụ chính của chương trình là người đi khám chữa bệnh vẫn thì vẫn còn rất “mù mờ” về những quyền lợi mà mình được hưởng. Ông P.K.Bính, 72 tuổi (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) thắc mắc: “Tôi đọc trên báo thấy người ta viết, từ ngày 1-7, người đi khám BHYT sẽ bớt khổ, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thay đổi gì, đến khám ở nhiều bệnh viện công vẫn phải chờ rất lâu, lại không chủ động được về mặt thời gian, đành ra khám dịch vụ, tốn kém một chút nhưng đỡ mệt hơn”.

Về vấn đề này, bà Hoa Ban cho biết: “Muốn triển khai chương trình một cách toàn diện, chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ, hoàn thiện các yếu tố về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn cho các cán bộ thực hiện”.

Trong lúc chờ khám tại Bệnh viện Đà Nẵng, Chị Tr.T.Mai (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) tâm sự: “Việc làm hài lòng người đi khám chữa bệnh, đặc biệt là khám BHYT tất nhiên không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, nhưng điều chúng tôi cần nhất là cung cách ứng xử và thái độ của các y, bác sĩ, để người bệnh cảm thấy dễ chịu và bớt lo lắng hơn.

Cách đây một tuần, tôi có dẫn đứa cháu đi khám thai tại một bệnh viện công trong thành phố, khi đến phòng tiếp nhận hồ sơ để đăng ký, gặp một cô y sĩ mặt lạnh tanh, chỉ hỏi những câu cụt lủn như: Mấy tuổi?, Thai mấy tháng? Khám gì?, khi tôi hỏi thêm một số câu thì cô ấy vờ không nghe, phớt lờ quay đi nói chuyện với các y sĩ khác, bực và buồn lắm nhưng cũng đành nhịn cho qua”. 

Cải thiện chất lượng 

Sự hòa hợp giữa bác sĩ và bệnh nhân là một cách mang đến sự hài lòng.

Một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng giãi bày: Đôi khi làm việc liên tục dưới thời tiết nóng bức, bệnh nhân đông nên chúng tôi cũng không kiềm chế được bản thân, có những thái độ gắt gỏng, xong giá như lúc đó người bệnh góp ý thẳng thắn, chứ đừng nhịn cho qua, thì chúng tôi có thể lập tức nhận ra cái sai và rút kinh nghiệm. "Theo tôi, việc đi tìm sự hài lòng phải bắt đầu từ cả hai phía, bệnh viện và người bệnh, nói vui là phải biết chỗ nào “ngứa thì mới gãi” được chứ", bác sĩ này nói.

Bà Sử Thị Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết trước khi chương trình về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh được triển khai, bệnh viện cũng đã áp dụng rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa sự phiền hà đối với người bệnh, trong đó, hai chương trình mới nhất là tổ chức khám chuyên khoa hàng ngày và áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh toán viện phí.

Theo đó, người bệnh thay vì phải khám chuyên khoa định kỳ theo một ngày quy định trong tuần và gặp phải nhiều bất tiện, thì nay có thể đến khám bác sĩ chuyên khoa vào các ngày trong tuần, tiết kiệm được rất nhiều thời gian chờ đợi và yên tâm hơn với chất lượng khám chữa bệnh. Khâu thanh toán viện phí cũng được đơn giản hóa rất nhiều khi làm việc bằng máy tính.

Một số bệnh viện công khác trên địa bàn thành phố cũng đã áp dụng nhiều biện pháp cải cách trong việc tiếp đón bệnh nhân, bổ sung thêm số bàn khám, y sĩ phục vụ, hướng dẫn, cung cấp cho người bệnh đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, việc tiến hành hẹn khám bệnh qua điện thoại, qua mạng, hẹn rõ thời gian trả kết quả xét nghiệm hoặc tùy trường hợp có thể trả qua bưu điện vẫn chưa thể triển khai, hoặc chỉ có thể triển khai ở đối tượng khám dịch vụ.

Chương trình "Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh" đã được Bộ Y tế xây dựng và triển khai thí điểm tại 10 bệnh viện tuyến trung ương trong cả nước gồm: Bạch Mai, Phụ sản trung ương, Việt Đức, K, Hữu Nghị, Mắt trung ương, Nhi trung ương, Trung ương Huế, Chợ Rẫy và Thống Nhất. Bên cạnh đó, Sở Y tế mỗi tỉnh, thành phố cũng chọn ít nhất một bệnh viện tham gia thực hiện. Sau 6 tháng sẽ đánh giá lại chương trình.
Thêm vào đó, chương trình cải cách này được đưa ra trước thực tế là rất nhiều bệnh viện tuyến trên cũng như các cơ sở y tế quận , huyện đang bị quá tải, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Phòng khám bệnh viện Đà Nẵng phải tiếp nhận trung bình 1.500 bệnh nhân mỗi ngày, riêng khoa nội đã chiếm đến 700 bệnh nhân. Những đợt cao điểm bùng phát các loại dịch bệnh như dịch tả, sốt xuất huyết, việc 2 – 3 bệnh nhân nằm chung một giường là giải pháp tình thế phổ biến nhất, và như vậy, việc mang đến một sự hài lòng và chất lượng phục vụ tốt nhất cho người bệnh là điều rất khó thực hiện.

Tuy nhiên, một cán bộ của Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết, việc thực hiện chương trình này cũng như triển khai luật BHYT mới đều cần có một lộ trình lâu dài, với sự bổ sung từng bước về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, và quan trọng nhất là từng bước lấy lại niềm tin và thái độ thiện cảm của người bệnh khi bước chân vào bệnh viện, tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
 
Song, việc phát triển không đồng đều và sự chênh lệch đáng kể về số lượng bệnh nhân giữa các bệnh viện tuyến trên và các cơ sở y tế địa phương cũng đang đặt ra môt cách cấp thiết, bởi khi luật BHYT mới chính thức được áp dụng, liệu sự hài lòng của người dân có thể được duy trì một cách bền vững?

Ngô Đồng


;
.
.
.
.
.