Gọi là câu lạc bộ cho “oai”, chứ thực ra 10 thành viên mang nhóm máu hiếm đang sinh sống và học tập tại Đà Nẵng mới chỉ gặp nhau một lần vào tháng 7-2009, do Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức. Nhưng những giọt máu hiếm của họ “gặp” nhau khá nhiều lần nếu tính số đơn vị máu tặng cho cùng một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch...
Tiến hành xét nghiệm nhóm máu tại Khoa Huyết học-truyền máu, Bệnh viện Đà Nẵng. |
Bạn Hồ Sỹ Dương, sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng đang ở trong giảng đường thì nhận được tin cần đi hiến máu gấp, Dương đã nhờ cậu bạn chở đến bệnh viện. Còn bạn Mai Ngọc Linh, chiến sĩ Đội Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Công an quận Liên Chiểu hôm sau mới có mặt ở bệnh viện để hiến máu, do ngày trước đó Linh đang làm nhiệm vụ tại đèo Hải Vân, không về kịp...
Trong những bạn có nhóm máu hiếm đã tham gia hiến máu nhiều lần ở Đà Nẵng còn có Lê Công Quang, thủ lĩnh Đoàn Thanh niên phường Mân Thái; Trịnh Đức Thụ, sinh viên ngành Du lịch Trường CĐ Nghề và cũng là thủ lĩnh Đoàn Thanh niên của lớp; bạn Trần Kế Tới, sinh viên Trường CĐ Công nghệ; bạn Hà Thị Chắp, sinh viên Trường CĐ Đông Du... Các bạn không nề hà, sẵn sàng hiến máu cứu người, không suy nghĩ thiệt hơn, không cần biết người mình cho máu là ai. Họ chỉ biết cho đi để người bệnh nhận về niềm vui sau khi được cứu sống.
Những người có nhóm máu hiếm (hay Rh âm) chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng (0,03-0,05%) và chỉ những người có cùng nhóm máu và có cùng Rh âm mới có thể truyền máu cho nhau. Sau hai năm Ban chỉ đạo vận động Hiến máu nhân đạo thành phố và Bệnh viện Đà Nẵng phát hiện ra những người có nhóm máu hiếm, danh sách người có nhóm máu này vẫn chưa thể dài thêm, vì thế nguồn máu Rh âm vẫn còn quá ít ỏi.
Trong khi đó, một vài năm nữa, những sinh viên này tốt nghiệp, không sinh sống và học tập tại Đà Nẵng nữa thì nguồn máu quý hiếm này khó được bổ sung. Tính đến thời điểm này, đã có 16.070 người tham gia hiến máu tình nguyện, nhưng số người có nhóm máu hiếm được xác định vẫn đếm trên đầu ngón tay.
Ông Đoàn Văn Hòa, cán bộ Hội Chữ thập đỏ thành phố cho biết, toàn thành phố có 12 đội ngân hàng máu sống với 360 người, trong khi nhóm máu hiếm chỉ có 10 người, nên Hội vẫn tiếp tục công tác vận động hiến máu nhân đạo, kết hợp với tuyên truyền cho người dân biết về tầm quan trọng của những người có nhóm máu hiếm, mong có thông tin phản hồi, để bổ sung vào danh sách thành viên câu lạc bộ (CLB) người có nhóm máu hiếm.
Trong tương lai, những CLB máu hiếm của tất cả các tỉnh, thành cần được nối mạng toàn quốc, để những ai thay đổi nơi cư trú vẫn có thể liên hệ với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo của địa phương đó. Một phần họ có thể cứu người cần đến nhóm máu Rh âm của mình, một phần bất kỳ tuyến bệnh viện nào cũng có thể tìm người hiến máu cho họ, lường trước những bất trắc có thể xảy ra. Bởi vì đã có những bệnh nhân có Rh âm không thể cứu được khi không truyền máu kịp thời hay không đủ lượng máu cần thiết.
Điều khó khăn là vấn đề thông tin và những tư vấn kịp thời. Để bảo đảm việc tương trợ giữa những người mang Rh âm được phát huy tới mức tốt nhất, hiện nay có nhiều trang web hoạt động trên lĩnh vực tư vấn, tuyên truyền về nhóm máu hiếm và CLB những người có nhóm máu hiếm tại Việt Nam đã được thành lập. CLB hoạt động trên tinh thần là cầu nối giúp đỡ các thành viên cũng như những người có Rh âm có được những tư vấn miễn phí về sức khỏe cũng như những ảnh hưởng của Rh âm của bà mẹ mang thai...
Bên cạnh đó, CLB là trung tâm phát động những thành viên hiến máu tình nguyện trong trường hợp những người có Rh âm cần máu để giành lấy sự sống (tai nạn, phẫu thuật...). Việc nối mạng, nối thông tin giữa CLB máu hiếm của Đà Nẵng với cả nước sẽ không còn xa...
Bài và ảnh: Hiền Lương