.

Phân biệt sốt xuất huyết và cúm A/H1N1

Hiện nay, chúng ta đang đối phó với hai dịch bệnh đang xảy ra là dịch cúm A/H1N1 và dịch sốt xuất huyết (SXH). 

Nhìn chung, trong ngày đầu mắc bệnh, SXH và cúm A/H1N1 thường chỉ có biểu hiện là sốt cao nên rất khó phân biệt. Tuy nhiên, có thể quan sát, theo dõi tình trạng hạ sốt sau khi uống thuốc hạ sốt paracetamol để nhận biết. Đặc điểm của SXH là sốt cao liên tục, sau khi uống paracetamol để hạ nhiệt, thì thân nhiệt cũng chỉ hạ được trong một thời gian ngắn, sau đó bệnh nhân lại tiếp tục sốt cao trở lại. Còn nếu sốt do vi rút cúm A/H1N1 gây ra thì sau khi dùng thuốc hạ nhiệt thì sẽ duy trì hạ nhiệt cho bệnh nhân trong thời gian dài hơn.

Đến ngày thứ hai, cả hai loại bệnh đều có những diễn biến rõ rệt. Nếu là SXH thì có hiện tượng xuất huyết ở nhiều dạng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn hoặc đi cầu ra máu, phụ nữ xuất hiện hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường hoặc kỳ kinh kéo dài hơn bình thường. Xuất huyết càng biểu hiện rõ vào ngày thứ 3, thứ 4. Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3 – 6 của bệnh.

Trường hợp cúm A/H1N1, ngoài dấu hiệu sốt, bệnh nhân thường có biểu hiện của viêm họng hoặc có ho, nhiễm trùng đường hô hấp trên. Trong trường hợp bệnh nặng thì xuất hiện triệu chứng đau tức ngực, khó thở. Theo các chuyên gia y tế, gần 90% trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 giống như cúm mùa, lành tính, tương đối nhẹ chỉ ở thể trung bình, thậm chí không cần điều trị bằng Tamiflu cũng khỏi. Vì vậy, việc tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp chống lại bệnh tật.

Tóm lại, việc theo dõi những dấu hiệu của bệnh là vấn đề rất quan trọng. Khi phát hiện sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Trung tâm Truyền thông GDSK Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.