Ung thư cổ tử cung là căn bệnh khá phổ biến ở nữ giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung xếp hàng thứ nhì sau ung thư vú. Độ tuổi mắc ung thư cổ tử cung là 30- 59, tập trung cao trong khoảng tuổi 48 - 52.
Mặc dù thuộc loại “tứ chứng nan y”, nhưng nếu được phát hiện sớm thì khả năng sống còn của bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung khá cao. Nhờ sự tiến bộ của khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực y học mà trong vài thập niên gần đây tỷ lệ mắc của bệnh này cũng đã giảm rõ rệt ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện một cách khá dễ dàng nhờ vào sự kiểm tra định kỳ âm đạo tại các cơ sở y tế. Qua việc kiểm tra, nhân viên y tế, thường là một nữ hộ sinh đã được huấn luyện về mặt phương pháp sẽ thực hiện một mẫu kính phết tế bào âm đạo từ chất nhờn của cổ tử cung.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ung thư cổ tử cung khuyên rằng, tất cả các phụ nữ có hoạt động tình dục cần thực hiện xét nghiệm chất nhờn cổ tử cung 1 - 2 lần trong năm, nhằm phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả nếu như không may mắc phải căn bệnh này.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do một loại virus có tên gọi tắt là HPV (Human Papilloma Virus: Virus gây u nhú ở người) làm lây bệnh qua đường tình dục. HPV thường gây ra các mụn cơm hay nốt sần ở vùng sinh dục của cả hai giới. Hiện đã có vắc-xin tiêm phòng HPV. Tại một số quốc gia, việc tiêm phòng cho những người ở độ tuổi bước vào hoạt động tình dục đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung. Các loại vắc-xin hiện được sử dụng là Cervarix hoặc Gardasil tiêm 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 là 2 tháng và mũi 3 cách mũi 2 là 4 tháng.
HPV có khả năng xâm nhập sâu vào tổ chức tế bào ở cổ tử cung, gây ra sự biến đổi biểu mô cổ tử cung và tạo thành ung thư. Ngoài ra, HPV còn là nguyên nhân gây ung thư âm đạo, âm hộ, hậu môn và ung thư dương vật.
Ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm nhờ vào xét nghiệm kính phết tế bào âm đạo (Pap smear) qua việc thăm khám định kỳ. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh là sự xuất huyết âm đạo khi có quan hệ nam nữ, hoặc sự chảy máu bất thường giữa hai kỳ kinh nguyệt. Các trường hợp muộn hơn thấy có nhiều khí hư (huyết trắng) lẫn lộn với máu, đau vùng chậu, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc thấy hạch ở các vùng lân cận, hoặc xa hơn do sự di căn.
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung đã được nhiều nơi thực hiện trong những năm gần đây nhằm nâng cao chất lượng sống và chăm sóc phụ nữ. Ung thư cổ tử cung có một giai đoạn tiến triển dài khoảng 10 đến 15 năm là giai đoạn nghịch sản, còn gọi là giai đoạn tiền lâm sàng. Nếu phát hiện ở giai đoạn này thì việc điều trị đơn giản, ít tốn kém mà hiệu quả lại cao.
Nói chung tiên lượng của người mắc ung thư cổ tử cung tùy thuộc vào giai đoạn bệnh đang diễn ra: Giai đoạn 1, tỷ lệ sống sau 5 năm là 90%; giai đoạn 2 là 75%, giai đoạn 3 là 40% và giai đoạn 4 là 10%.
Các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung là thực hiện tình dục an toàn, vệ sinh sinh dục, sinh đẻ ít, phát hiện và điều trị sớm các viêm nhiễm đường sinh dục, tạo thói quen thăm khám phụ khoa định kỳ. Nếu có điều kiện thì tiêm phòng HPV.
Tuy nhiên, vắc-xin này còn hiếm trên thị trường Việt Nam và giá thành cũng rất cao, khoảng 100 USD/mũi tiêm, liều hiệu quả cần đến 3 mũi, nhưng tỷ lệ phòng ngừa cũng chỉ đạt 70% và kéo dài trong khoảng 5 năm mà thôi.
Ths.Bs. Mai Hữu Phước
.
.
Ung thư cổ tử cung
Thứ Hai, 23/11/2009, 14:36 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.