.

Mì ăn liền và... mụn

Một số người, nhất là trong giới sinh viên rỉ tai với nhau: “gắn bó” nhiều với mì ăn liền thì nóng và lên... mụn. Điều này đã khiến cho những người triền miên xẹp túi đồng hành cùng món ăn nhanh, gọn, tiện lợi này thấy nao lòng và lo lắng, nhất là phái nữ. Nhưng sự thật có “bi đát” như lời đồn thổi hay không, nếu xét trên phương diện y học?

Thật ra thì không có điều gì phải lo lắng cả, đó chỉ là lời đồn không có căn cứ khoa học. Các nhà sản xuất mì ăn liền và tất nhiên là cả các cơ quan chức năng thanh tra luôn quan tâm đến chất lượng và bảo đảm sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Những gói mì ăn liền tung ra trong thị trường đều phải bảo đảm những tiêu chuẩn nhất định.

Thành phần dinh dưỡng trong gói mì ăn liền đã được các chuyên gia dinh dưỡng tính toán cân đối các thành phần bột (glucide), đạm (protide), chất béo (lipide), chất khoáng và các thành phần gia vị khác để làm khoái khẩu người sử dụng, tất nhiên là cung cấp được một nguồn năng lượng cần thiết. Có người cho rằng, mì ăn liền là sản phẩm của một cuộc sống hiện đại, tất bật.

Đâu chỉ có sinh viên, nhiều công chức độc thân ở trong và ngoài nước có công việc bận rộn, hay những người có tính ăn uống qua loa đơn giản rất “gắn bó” với mì ăn liền. Giá cả của mì ăn liền cũng rất phù hợp với những ai có túi tiền lép kẹp.

Nếu “đổ thừa” mì ăn liền làm nóng, gây nổi mụn thì oan cho mì ăn liền quá, bởi nguyên nhân nổi mụn không có liên can gì đến nó. Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng cần “thay đổi không khí” để tăng cường chất dinh dưỡng và các vitamine cho cơ thể chứ cứ mì ăn liền mà đánh chén mãi thì cũng rất… ngán phải không?

Thạc sĩ y học MAI HỮU PHƯỚC
;
.
.
.
.
.