Ngày 16-6, Sở Y tế thành phố tổ chức cuộc họp khẩn với Trung tâm Y tế dự phòng và các bệnh viện tuyến quận, huyện bàn công tác đối phó với bệnh tay-chân-miệng đang tăng cao trong thời gian qua.
Tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, đến nay đã có 142 bệnh nhân mắc bệnh tay-chân-miệng, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi, chưa có tử vong. Trong đó, các quận Sơn Trà có 35 ca, Liên Chiểu 27 ca, Thanh Khê 19 ca… Nguy cơ bùng phát dịch rất cao vì rất dễ lây lan trong môi trường tập thể. Điều nguy hiểm là bệnh này chưa có vắc-xin ngừa và chưa có thuốc đặc hiệu điều trị. Hiện tại, số bệnh nhân các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam nhập viện điều trị tại Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tăng ồ ạt trong những ngày qua với gần 100 bệnh nhân đã gây tình trạng quá tải nặng, bệnh nhân phải nằm giường đôi điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, điều nguy hiểm là việc phân lập vi-rút gây bệnh của bệnh nhân nhi tại Đà Nẵng gặp trở ngại lớn do bệnh phẩm gửi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang đã gần 10 ngày vẫn chưa có kết quả. Trong lúc này, tại tỉnh Quảng Ngãi, dịch tay-chân-miệng đã bùng phát mạnh với 3 ca tử vong do nhiễm EV 71 vốn độc lực mạnh, biến chứng nhanh khi mắc phải.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cần theo dõi và giám sát chặt chẽ các ca bệnh, nhất là ở các trường mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình. Bổ sung 500 kg Cloramine B bột và 7.500 viên Cloramine để thực hiện công tác khử khuẩn tại các địa phương. Ngành y tế Đà Nẵng đã phối hợp với ngành Giáo dục-Đào tạo tuyên truyền công tác giữ gìn vệ sinh đồ chơi trong lớp học; khuyên các trẻ em mắc bệnh nên được điều trị và cách ly ở nhà ít nhất 1 tuần để tránh sự lây lan, thường xuyên khử khuẩn giường bệnh, nhằm hạn chế bệnh lây lan và bùng phát thành dịch.
Việt Dũng