Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho rằng, bệnh tay - chân - miệng (TCM) còn diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát cao, đồng thời cảnh báo nguồn lây nhiễm từ người lớn.
Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng là trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bác sĩ Kim Yến cho biết: Bệnh TCM xuất hiện từ năm 2000 ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng trong tháng 5 và 6-2011, bệnh này tăng mạnh tại Đà Nẵng. Từ đầu năm 2012 đến nay, bệnh TCM có dấu hiệu bùng phát trở lại; đặc biệt sau khi bệnh nhân N.A.K (ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) mắc bệnh TCM và tử vong ngày 14-2, cơ quan y tế thành phố mỗi tuần ghi nhận có 55 ca mắc bệnh. Từ đầu năm 2012 đến nay, toàn thành phố Đà Nẵng ghi nhận 152 trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
* Thưa bác sĩ, trước thực trạng dịch bệnh TCM hiện nay, ngành Y tế thành phố đã có những giải pháp cấp bách nào để phòng, chống dịch?
- Thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Hội LHPN thành phố, Sở GD-ĐT thực hiện việc tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh TCM ở các cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng. Các xe tuyên truyền cổ động thường xuyên đến các địa bàn phường, xã phổ biến, tuyên truyền về nguồn lây bệnh, cách phòng ngừa bằng biện pháp sát trùng, giữ gìn vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thành lập 3 tổ cơ động phòng, chống dịch; thực hiện việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, xử lý kịp thời các ổ dịch, khu vực có bệnh nhân mắc bệnh TCM trong cộng đồng. Ngoài ra, lãnh đạo Sở cũng kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch ở các địa phương, nhằm hạn chế tình trạng chủ quan, lơ là… tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng phát.
* Sau khi được đầu tư, nâng cấp, mạng lưới Y tế dự phòng ở tuyến quận, huyện có đủ năng lực giám sát, dập dịch trong tình hình hiện nay không?
- Trong quá trình rà soát, củng cố đội y tế dự phòng các quận, huyện, Sở Y tế cũng nhận thấy có nơi mạnh, nơi yếu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố hỗ trợ thêm cán bộ dịch tễ cho những nơi còn thiếu, còn yếu, nhằm chủ động giám sát, xử lý dịch. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, đôi lúc công tác giám sát, xử lý dịch ở một số nơi vẫn chưa hiệu quả do thiếu cán bộ.
* Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, trẻ em mắc bệnh do tiếp xúc với nguồn lây trực tiếp từ trẻ em khác. Liệu có những nguồn lây nào khác không, thưa bác sĩ?
- Dịch bỏng nước, dịch nhầy từ miệng, tay và bàn chân của trẻ mắc bệnh là nguồn lây lan chủ yếu từ người bệnh sang người lành, do quá trình tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, qua thống kê sơ bộ, tại Đà Nẵng, số trẻ em mắc bệnh TCM giữ ở nhà nhiều hơn số trẻ đi học tại các trường mẫu giáo. Điều đó cho thấy, có thể do người lớn mang nguồn bệnh từ bên ngoài về lây lan cho trẻ (người lớn mang theo vi trùng). Nguồn lây này rất nguy hiểm và có nguy cơ làm bệnh TCM bùng phát mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt cần lưu ý, nếu người lớn mang mầm bệnh về nhà nhưng không thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng xà phòng hoặc các loại dung dịch sát trùng khác, mà tiếp xúc với trẻ em thì nguy cơ lây bệnh rất cao. Hạn chế hiện tượng này phụ thuộc rất lớn vào ý thức phòng ngừa và giữ gìn vệ sinh cá nhân của mỗi người. Bởi lẽ, ngành Y tế chỉ tuyên truyền, vận động, giám sát, xử lý và tổ chức thu dung điều trị chứ không thể kiểm soát được sinh hoạt tại mỗi gia đình.
* Tình trạng quá tải bệnh nhi mắc TCM ở Trung tâm Phụ sản - Nhi liên tục xảy ra, gây khó khăn trong công tác điều trị, nguy cơ lây nhiễm chéo rất lớn. Tại sao không thu dung điều trị tại tuyến y tế quận, huyện để giảm quá tải cho tuyến trên?
- Dịch bệnh TCM rất nguy hiểm do thường xảy ra biến chứng ghi nhận ở bệnh nhân nhi nhỏ tuổi. Vì vậy, hiện nay các bệnh viện tuyến quận, huyện chỉ thu dung điều trị bệnh nhân mắc TCM độ 1 (dạng nhẹ). Những trường hợp mắc bệnh nặng từ độ 2A, 2B trở lên, bệnh viện tuyến quận, huyện bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên nên xảy ra tình trạng quá tải tại Trung tâm Phụ sản - Nhi. Hơn nữa, Trung tâm Phụ sản - Nhi hiện không chỉ thu dung điều trị cho bệnh nhân TCM ở địa bàn Đà Nẵng, mà còn có cả bệnh nhân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, nên dẫn đến quá tải trầm trọng.
Trước tình hình này, Sở Y tế đã chỉ đạo trung tâm kê thêm 60 giường bệnh để có thể đáp ứng điều trị cho bệnh nhân nhi tại Khoa Y học nhiệt đới. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh, Sở sẽ hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để thành lập ngay các điểm thu dung bệnh nhân TCM ở tuyến quận, huyện.
Nguy hiểm do diễn biến bệnh rất nhanh Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, trường hợp bệnh nhân trú tại quận Cẩm Lệ tử vong do mắc bệnh TCM có diễn biến bệnh rất nhanh. Mặc dù các bác sĩ đã hỗ trợ điều trị bằng máy thở và thuốc Mirinone, nhưng bệnh nhân đột ngột trở nặng, trụy tim mạch, suy tim, ảnh hưởng thần kinh nên đã dẫn đến tử vong. Bác sĩ Kim Yến cũng cho biết: “Ngành y tế không thiếu Cloramine B và trang thiết bị, thuốc men để xử lý ổ dịch và thu dung điều trị, nhưng bất cập lớn cần được khắc phục sớm để công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn là nhanh chóng củng cố hệ thống xét nghiệm hiện đại tại Trung tâm Y tế dự phòng trong năm 2012 để phục vụ việc chẩn đoán và nghiên cứu. Bởi lâu nay, các bệnh phẩm xét nghiệm bệnh nhân mắc bệnh TCM, cúm A/H1N1… đều phải gửi trực tiếp đến Viện Pasteur Nha Trang và phải chờ thông báo kết quả. Điều này vừa tốn thời gian và chi phí vận chuyển bệnh phẩm”. |
NGỌC ĐOAN - VIỆT DŨNG thực hiện