Các trường mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang tăng cường tối đa các biện pháp phòng chống dịch tay - chân - miệng (TCM).
Chủ động phòng chống bệnh TCM ở các trường mầm non sẽ góp phần làm hạn chế tình trạng bùng phát dịch bệnh. |
Trước tình hình trẻ em mắc bệnh TCM tăng cao, đặc biệt sau trường hợp bé trai Ng.A.K (22 tháng tuổi, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) tử vong ngày 14-2 do mắc bệnh TCM, các trường mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu: Khi phát hiện trẻ sốt, mệt mỏi, giáo viên không đón trẻ vào lớp nhằm tránh sự lây lan sang các trẻ khác.
Không để trẻ mắc bệnh đến lớp
Ban giám hiệu Trường mầm non Cẩm Nhung (quận Thanh Khê) cho biết, nhà trường yêu cầu giáo viên phải tăng cường kiểm tra sơ bộ sức khỏe của trẻ trước khi vào lớp. Đối với những trường hợp trẻ đến trường có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, nổi nốt đỏ ở tay, chân, giáo viên phải trao đổi với phụ huynh để đưa các cháu đến bệnh viện khám và điều trị bệnh đến khi khỏi hẳn rồi đến trường. Nhiều phụ huynh đã đồng ý với quan điểm này.
Ở Trường mầm non 19-5, công tác phòng chống dịch TCM cũng được đặc biệt chú trọng. Ngoài việc tổ chức tổng dọn vệ sinh mỗi tuần 2 lần, các cán bộ, giáo viên dùng dung dịch Cloramin B lau chùi, cọ rửa sàn nhà lớp học, bàn ghế, đồ chơi của trẻ. Hằng ngày, cán bộ y tế nhà trường có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra các kẽ tay, chân của các cháu, khi phát hiện dấu hiệu khả nghi triệu chứng bệnh TCM thì yêu cầu phụ huynh đưa cháu về khám, điều trị ngay. Đối với học sinh, giáo viên yêu cầu các cháu thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hằng ngày.
“Nhà trường sẽ phối hợp với Đội Y tế dự phòng quận Hải Châu tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh TCM cho trẻ, đồng thời yêu cầu phụ huynh khi phát hiện con mình mắc bệnh thì tuyệt đối không đưa con đến lớp, mà phải đưa đến bệnh viện điều trị dứt điểm rồi mới quay lại trường”, bà Phan Thị Xuân Trà, Hiệu trưởng Trường mầm non 19-5 cho biết.
Chủ động phòng ngừa
Tại địa bàn quận Liên Chiểu, Ban giám hiệu các trường mầm non triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch TCM như: Tổng vệ sinh trường lớp, thường xuyên lau chùi, vệ sinh trang thiết bị dạy học; tuyên truyền, phổ biến phụ huynh hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người hoặc đi chơi xa một mình, thường xuyên theo dõi, giám sát trẻ lúc ở nhà... Nhờ chủ động phòng ngừa, đến nay, ở các trường mầm non trên địa bàn quận chưa xảy ra trường hợp bệnh TCM.
Ông Lại Tấn Nghị, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho biết, phòng yêu cầu các trường mầm non thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe các cháu và phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và tuyên truyền cách phòng ngừa bệnh. Đồng thời, các trường cam kết không để xảy ra dịch bệnh tại trường. Nếu trường nào để xảy ra dịch bệnh, lãnh đạo trường đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận. Cũng theo ông Nghị, Phòng GD-ĐT còn phối hợp cùng Đội Y tế dự phòng quận Liên Chiểu kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch bệnh TCM ở các trường, nhằm tránh sự lơ là, chủ quan.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố, cho biết, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch TCM, Sở đã có công văn chỉ đạo các Phòng GD-ĐT quận, huyện yêu cầu chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng, chống dịch TCM ở nhà trường. Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt yêu cầu vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể trẻ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tính mạng cho trẻ. Khi trẻ đến lớp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước, nhà trường phải thông báo với gia đình và cơ quan y tế trên địa bàn. Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên cùng lớp mắc bệnh trong 7 ngày, yêu cầu phải cho lớp đó nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI