Từ đầu năm đến nay, các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố đã huy động mọi nguồn lực, vật lực chủ động phòng chống, khống chế dịch bệnh tay-chân-miệng (TCM), không để lây lan, bùng phát trong nhà trường.
Các cơ sở giáo dục mầm non được yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể trẻ. |
Chủ động phòng ngừa
Sau khi dịch bệnh TCM có dấu hiệu bùng phát trên diện rộng, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã vào cuộc quyết liệt phòng, chống dịch. Nhà trường tổ chức dán, treo các bảng khẩu hiệu, áp-phích hướng dẫn về cách phòng, chống bệnh TCM, các biểu hiện bệnh lý… để cán bộ, giáo viên và phụ huynh nhận biết, phòng ngừa. Trong đó, các trường đặc biệt lưu ý khi phát hiện trẻ nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân, miệng, sốt, mệt mỏi, phụ huynh không nên đưa các cháu đến trường, còn giáo viên không đón trẻ vào lớp, tránh sự lây lan sang các cháu khác.
Bà Phan Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường mầm non Ánh Hồng (quận Hải Châu) cho biết, kể từ ngày dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát, diễn biến phức tạp, nhà trường yêu cầu giáo viên phải tăng cường thực hiện việc kiểm tra sơ bộ sức khỏe của trẻ trước khi vào lớp. Đối với những trường hợp trẻ đến trường có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, nổi nốt đỏ ở tay, chân, nhà trường yêu cầu giáo viên trao đổi ngay với phụ huynh để đưa các cháu đến bệnh viện khám và điều trị bệnh cho đến khi khỏi hẳn rồi đến trường. Hiểu mục đích của nhà trường “làm gắt” nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng trẻ nên hầu hết phụ huynh đồng tình với cách làm trên.
Ở Trường mầm non 1 tháng 6 (quận Liên Chiểu), công tác phòng, chống dịch TCM cũng được đặc biệt chú trọng. Hằng tuần, Ban giám hiệu tổ chức cho cán bộ, giáo viên tổng dọn dẹp vệ sinh trường lớp, dùng dung dịch Cloramin B lau chùi, cọ rửa sàn nhà lớp học, bàn ghế, đồ chơi của trẻ để sát khuẩn. Qua các buổi họp phụ huynh, Ban giám hiệu nhà trường tuyên truyền, vận động phụ huynh nâng cao ý thức cảnh giác, phòng, chống dịch bệnh cho trẻ nhỏ, thông qua việc thường xuyên vệ sinh cá nhân bằng xà phòng... Khi phát hiện con em mình mắc bệnh, phụ huynh tuyệt đối không đưa con đến lớp, mà phải đưa đến bệnh viện điều trị dứt bệnh rồi mới quay lại trường. Đối với học sinh, giáo viên, nhà trường yêu cầu thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hằng ngày.
Dù vậy, vào đầu mỗi buổi học, Ban giám hiệu Trường mầm non 1 tháng 6 vẫn yêu cầu cán bộ, giáo viên thường xuyên kiểm tra các kẽ tay, chân của trẻ, khi phát hiện dấu hiệu khả nghi triệu chứng bệnh TCM thì yêu cầu phụ huynh đưa cháu về khám, điều trị ngay.
Không chủ quan, lơ là
Ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, để ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh TCM, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu các trường mầm non trên địa bàn thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe trẻ và phát hiện xử lý, cách ly kịp thời những trường hợp nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, tuyên truyền về cách phòng ngừa bệnh. Mặt khác, Phòng GD-ĐT cũng thành lập các tổ kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch bệnh TCM ở các trường, nhằm tránh sự lơ là chủ quan.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có gần 1.100 bệnh nhi mắc TCM. Hầu hết các quận, huyện đều có trẻ em mắc bệnh. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân; đồng thời chỉ đạo Đội Y tế dự phòng các quận, huyện tăng cường giám sát, phát hiện bệnh TCM tại địa phương, tích cực kịp thời phát hiện, dập tắt các ổ dịch nếu có.
Bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở đã có công văn chỉ đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch TCM ở nhà trường. Các cơ sở giáo dục mầm non phải thực hiện tốt các yêu cầu vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể trẻ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tính mạng cho trẻ. Khi trẻ đến lớp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước, nhà trường phải thông báo cho gia đình và cơ quan y tế trên địa bàn.
“Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, yêu cầu phải cho lớp đó nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền”, bà Thanh lưu ý.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI