.

Phòng bệnh mùa hè

.

Ngành Y tế đã có nhiều giải pháp để khống chế dịch tay-chân-miệng (TCM). Song, số ca nhiễm bệnh TCM tăng lên từng ngày, đồng thời bệnh mùa hè cũng đang bắt đầu xuất hiện.

Người dân chờ khám tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Người dân chờ khám tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tính đến cuối tuần qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 139 ca mắc bệnh TCM đang điều trị tại Trung tâm Phụ sản - Nhi. Trong đó, quận Hải Châu 26 ca, Thanh Khê 18 ca, Sơn Trà 28 ca, Ngũ Hành Sơn 17 ca, Liên Chiểu 24 ca, Cẩm Lệ 15 ca, Hòa Vang 11 ca. So với tuần trước đó, số ca mắc TCM tăng 6 ca, nâng tổng số bệnh nhân mắc bệnh TCM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ đầu năm đến nay là 1.017 ca.

Cùng với dịch TCM tăng mạnh, từ trung tuần tháng 4 đến nay, các loại dịch như thủy đậu, sốt xuất huyết… cũng tăng lên đáng kể. Tuy chưa phải là đỉnh điểm của các loại dịch bệnh mùa hè, nhưng hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng ghi nhận 26 ca sốt xuất huyết, 34 ca bệnh thủy đậu. So với cùng kỳ năm 2011, con số này chưa đáng báo động. Song, theo khuyến cáo của ngành Y tế, các loại dịch bệnh trên thường có thời gian ủ bệnh rất lâu và mỗi khi bùng phát lây lan rất nhanh trên diện rộng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua, lượng người khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng luôn quá tải.  Bác sĩ Hà Châu Thanh, Trưởng Khoa khám bệnh cho biết, mỗi ngày có từ 1.000 - 1.300 bệnh nhân đến khám, tăng từ 250 - 350 bệnh nhân/ngày so với những ngày của các tuần trước đó. Đa số các bệnh đều liên quan đến thời gian chuyển giao mùa: tim mạch, thủy đậu, huyết áp; đối tượng nhiễm bệnh xuất hiện ở cả trẻ em lẫn người lớn tuổi. Tại Trung tâm Phụ sản - Nhi, trong hơn 600 ca điều trị, nhiều nhất hiện nay vẫn là những bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch, tiêu hóa và TCM.

Để phòng tránh các bệnh giao mùa như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo: Cần tăng cường sức đề kháng bằng cách uống nhiều nước, ăn các loại rau, củ, quả, bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể; đồng thời, giữ gìn vệ sinh thông thoáng nơi làm việc và nơi ở. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, các loại thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn và gây ngộ độc thực phẩm, không nên ăn những loại thức ăn chưa qua chế biến kỹ, hoặc những loại thức ăn dễ gây ngộ độc.

Bác sĩ Hà Châu Thanh cũng cho biết, mùa nắng nóng, sức đề kháng của trẻ em rất yếu, nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy; đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng. Để tránh những bệnh trong thời điểm giao mùa, phụ huynh nên giữ vệ sinh cho trẻ, không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng cho trẻ nhằm tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, tránh cho trẻ ăn ở các quán hàng rong, vỉa hè và thực hiện ăn chín, uống sôi.

 “Trong giai đoạn chuyển giao mùa và thời tiết ngày càng nắng nóng kéo dài, trẻ còn dễ mắc các bệnh lý ngoài da như: rôm sảy, mụn nhọt, thủy đậu... Sự thay đổi bất thường của thời tiết đang nóng nắng chuyển sang mưa giông còn tạo điều kiện cho nhóm bệnh dị ứng thời tiết như viêm mũi dị ứng, chàm, hen suyễn bùng phát... Vì vậy, cha mẹ cũng cần chú ý giữ gìn sức khỏe cho trẻ, đặc biệt vệ sinh thân thể cho trẻ luôn sạch sẽ”, bác sĩ Hà Châu Thanh khuyến cáo.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN
 

;
.
.
.
.
.