.

Bộ Y tế đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccin phòng bệnh

.

Liên quan đến việc Bộ Y tế cho tạm dừng sử dụng vaccin quinvaxem "5 trong 1" trong Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR), đã có ý kiến cho rằng, việc ra quyết định này của Bộ Y tế là chậm trễ, cùng đó là sự lo lắng của các bậc phụ huynh có con trong diện được tiêm chủng khi vaccin này ngừng sử dụng... Để giải đáp những thắc mắc trên, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) giải thích một số chi tiết xung quanh vấn đề này.

PV: Có dư luận cho rằng, ngành y tế chậm trễ trong việc quyết định ngừng sử dụng vaccin quinvaxem trong Dự án TCMR sau khi để xảy ra nhiều trường hợp tử vong. Xin ông cho biết bản chất của sự việc này như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Bình.
TS. Nguyễn Văn Bình.

TS. Nguyễn Văn Bình: Trước hết, phải khẳng định nếu Bộ Y tế tìm thấy một trường hợp tử vong nào liên quan đến chất lượng vaccin thì sẽ cho ngừng sử dụng vaccin ấy ngay lập tức. Ở nước ta, mỗi ngày có tới 80 trẻ dưới 1 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân. Thông thường, một trường hợp tử vong sau tiêm chủng sẽ có 5 nguyên nhân như: chất lượng vaccin kém, chất lượng dịch vụ tiêm chủng kém, chết do một bệnh trùng hợp, do sốc phản vệ hoặc có thể là không thể tìm thấy nguyên nhân... Bên cạnh đó, theo báo cáo thống kê của Dự án TCMR đầu năm 2013, tần suất phản ứng sau tiêm vaccin quinvaxem cao hơn các năm trước. Tuy nhiên, cho tới nay kết quả điều tra đánh giá nguyên nhân của các hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh và Bộ Y tế về các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng chưa xác định có sự liên quan giữa các trường hợp này với quy trình vận chuyển, bảo quản, dịch vụ tiêm chủng, cũng chưa có bằng chứng khẳng định do chất lượng vaccin.

Cùng đó, theo Quyết định số 23/2008/QĐ - BYT ngày 7-7-2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, tất cả trẻ sau tiêm chủng đều phải được theo dõi sức khỏe trong vòng 24 giờ và ghi chép cẩn thận về tất cả các phản ứng sau tiêm như trẻ có sốt, ho, viêm họng, quấy khóc... hay không. Các trường hợp có phản ứng nặng đều phải có báo cáo và điều tra toàn bộ quy trình tiêm chủng xem có xảy ra sai sót gì không. Nếu không liên quan đến dịch vụ tiêm chủng thì tìm sang các nguyên nhân khác, như trẻ có bệnh khác trước khi tiêm hay không... Không có loại vaccin nào là an toàn tuyệt đối 100% kể cả vaccin tốt nhất, thậm chí ngay cả kháng sinh để chữa bệnh hay các loại vitamin là thuốc bổ cũng có thể gây phản ứng vì nguyên tắc của cơ thể là khi có chất lạ vào thì cơ thể sẽ có những phản ứng... Thực tế, trên thế giới vẫn có những tỷ lệ nhất định không tìm ra nguyên nhân tử vong ở trẻ ngoài những nguyên nhân như đuối nước, điện giật, tim bẩm sinh, tiêu chảy...

Về việc tạm dừng sử dụng vaccin quinvaxem, trước khi đưa ra quyết định này, Bộ Y tế đã có thông báo với đơn vị cung ứng vaccin là UNICEF và nhà tài trợ GAVI. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã mời chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến để cùng nghiên cứu và hiện 3 chuyên gia hàng đầu về vấn đề này của WHO đã đến Việt Nam hỗ trợ ngành y tế trong vấn đề này.

PV: Hiện nay, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng lo lắng khi đã cho con tiêm phòng mũi 1, mũi 2 rồi, nếu ngừng sử dụng thì có ảnh hưởng gì không, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Bình: Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì trong thời gian tạm dừng tiêm vài tháng chờ kết quả kiểm nghiệm vaccin quinvaxem cũng không ảnh hưởng lớn. Tất nhiên, việc dừng tiêm chủng thì tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, đặc biệt với những trẻ thuộc diện đang cần TCMR sẽ sụt giảm, nhưng trong thời gian ngắn cũng không ảnh hưởng gì. Còn đối với từng cá thể đến tuổi được tiêm mà chưa tiêm, hoặc với trẻ chưa được tiêm nhắc lại mũi 2, 3 nằm trong diện tiêm chủng thì trong thời gian chờ kết quả ngắn cũng không ảnh hưởng gì. Với những trẻ chưa có miễn dịch với bệnh thì cũng ít có cơ hội để tiếp xúc với nguồn truyền bệnh bởi nguyên tắc của bệnh truyền nhiễm là phải gặp người bệnh thì mới có thể bị lây nhiễm bệnh. Nhưng từ nhiều năm qua, chúng ta đã thực hiện rất tốt chương trình TCMR, một số bệnh đã được thanh toán, loại trừ, nhiều bệnh đã giảm tỷ lệ mắc như bạch hầu, ho gà, uốn ván... Bên cạnh đó, nếu các gia đình có điều kiện có thể cho con đi tiêm phòng bằng các vaccin khác, hoặc phòng bệnh bằng các vaccin đơn lẻ.

Kể cả với những trẻ đã tiêm vaccin 5 trong 1 mũi 1 thì cũng có thể tiêm từng loại vaccin đơn lẻ phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván... vẫn có tác dụng. Trong trường hợp không có điều kiện thì khoảng thời gian ngắn chờ kết quả điều tra chất lượng vaccin cũng không có nguy cơ gì lớn. Việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để bảo vệ trẻ, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, khuyến cáo các bà mẹ theo dõi chặt chẽ trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm và đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời. Hiện các vaccin khác trong chương trình TCMR vẫn được triển khai theo đúng lịch, người dân cần cho trẻ đi tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

PV: Vậy trong trường hợp kết quả điều tra là do chất lượng vaccin thì Bộ Y tế đã có phương án thay thế vaccin mới như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Bình: Trong thời gian này, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với WHO và các tổ chức quốc tế thu thập bằng chứng điều tra xác minh, đồng thời gửi mẫu vaccin tới phòng thí nghiệm quốc tế khác để kiểm định chất lượng của vaccin. Trong khi chờ ý kiến kết luận về nguyên nhân của các trường hợp này, Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung ứng vaccin đáp ứng nhu cầu phòng bệnh và triển khai các hoạt động tăng cường an toàn tiêm chủng. Trường hợp nếu sau khi điều tra làm rõ vaccin quinvaxem không có biến chứng gì liên quan đến phản ứng thì vaccin lại được sử dụng, ngược lại sẽ dừng hẳn. Bộ Y tế sẽ có phương án hoặc sử dụng vaccin trong nước, hoặc nhập khẩu loại vaccin khác. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã khẩn trương tiếp cận công ty nhập khẩu vaccin tương tự quinvaxem. Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ xem xét đánh giá về hiệu quả của vaccin đó đã được sử dụng ở các nước khác như thế nào và có khả năng nhập về Việt Nam hay không. Nếu khả thi thì sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định.

PV: Xin cảm ơn ông!

Suckhoedoisong

;
.
.
.
.
.