.

Cẩn trọng với gừng độc Trung Quốc

.

Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng vừa cho biết, sau khi phát hiện gừng Trung Quốc nhiễm chất độc tính cao - Aldicarb, đơn vị đã yêu cầu truy tìm nguồn và đưa chất trên vào danh mục bắt buộc kiểm soát các loại củ nhập khẩu.

Độc tính cao gấp 3 lần cho phép

Ông Hồng cho biết, sau khi có thông tin về việc nông dân ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) sử dụng Aldicarb (một loại thuốc trừ sâu cực độc) dùng để sản xuất gừng, đơn vị đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) gừng nhập khẩu.

Đồng thời, cơ quan này lấy 50 mẫu gừng Trung Quốc được bán ở 10 chợ có quy mô lớn của Hà Nội và TP HCM để kiểm tra.

Gừng Trung Quốc củ to, vàng thẫm, bóng bày bán tại chợ đầu mối Đền Lừ (Hà Nội).  Ảnh: Phạm Anh.
Gừng Trung Quốc củ to, vàng thẫm, bóng, được bày bán tại chợ đầu mối Đền Lừ (Hà Nội).
 
Kết quả phân tích đã phát hiện 1/50 mẫu (tỷ lệ 2%) gừng có Aldicarb, với dư lượng là 0,06ppm, cao gấp 3 lần so với mức quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (CODEX) - 0.02ppm và gấp 1,2 lần so với mức cho phép của EU và Nhật Bản (0.05ppm).
 
Mẫu chứa Aldicarb vượt mức cho phép được xác định lấy ở chợ Bình Điền (TP HCM). Với mức dư lượng trên, một người trọng lượng 50 kg, phải ăn hết 3 kg/ngày mới có những dấu hiệu ngộ độc. Do mức nhiễm Aldicarb chưa ở dạng nguy cấp, gấp hàng chục, hàng trăm lần, nên chưa áp dụng liền các biện pháp tịch thu, tiêu hủy.
 
Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) cũng bổ sung Aldicarb vào danh mục các hoạt chất BVTV bắt buộc phải kiểm tra ATTP với gừng và các loại củ từ nước ngoài nhập vào Việt Nam. Thực tế, ở Việt Nam không cho đăng ký chất này vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, vì có độ độc cao, tác động mạnh vào thần kinh.
 
Nhà hàng, khách sạn dùng gừng Trung Quốc
 
Theo thống kê, từ đầu năm tới nay, lượng gừng nhập khẩu từ Trung Quốc qua 3 cửa khẩu chính là TPHCM, Lạng Sơn và Lào Cai hơn 700 tấn. Gừng Trung Quốc tuy không thơm, cay như gừng ta, nhưng do củ to, mẫu mã đẹp nên ở các khách sạn, nhà hàng dùng nhiều (vì dễ thái, bày biện đẹp mắt)

Loại gừng này cũng dùng nhiều làm mứt, bánh kẹo. Gừng Trung Quốc thường nhập nhiều vào mấy tháng cuối năm, số lượng vài nghìn tấn. Con số này không nhiều, so với hơn nửa triệu tấn các loại rau củ quả như táo, lê, cam quýt...

Dựa trên tỷ lệ mẫu có chứa dư lượng và mức dư lượng thực tế phát hiện, ông Hồng cho rằng, nguy cơ mất ATTP của gừng Trung Quốc hiện có mặt tại thị trường Việt Nam (do chứa hoạt chất Aldicarb) là không cao. Mặt khác, lượng gừng ăn hàng ngày không nhiều như các loại rau, củ quả khác, nên người tiêu dùng không nên quá lo lắng.

Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ mất ATTP, Cục BVTV khuyến cáo người sử dụng gừng nên rửa sạch và bóc kỹ vỏ trước khi sử dụng. Thực tế, chất Aldicarb chủ yếu bám ở lớp vỏ, và dễ tan trong nước. Aldicarb dùng để diệt loại trùng và sâu hại trong đất; có dạng hạt, đưa vào đất, giống như phân bón.

Ngoài việc tăng cường giám sát mặt hàng gừng, hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tập trung vào 5 trái cây là táo, lê, cam quýt, dưa, nho. Đây là những loại người dân Việt Nam ăn nhiều nhất, nhập khẩu nhiều nhất và nguy cơ nhiễm các chất độc hại cũng cao nhất.

"Hiện có 1.200 hoạt chất thuốc BVTV được sử dụng trên thế giới, nên chúng tôi buộc phải đánh giá nguy cơ rủi ro để loại bỏ dần. Chẳng hạn, với trái cây, sẽ loại bỏ trước hết là các thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh. Cùng đó, sẽ dựa vào thông tin các nước nhập hàng Trung Quốc cảnh báo; kết hợp phân tích trên cây táo, lê... về đặc điểm phát triển, và có sâu bệnh gì, dân hay sử dụng hoạt chất gì, để từ đó kiểm soát chặt chẽ hơn", ông Hồng cho biết.

Tienphong

 

;
.
.
.
.
.