.

Kiểm soát dân số các phường ven biển

.

Qua hơn 3 năm triển khai, Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 (Đề án 52) đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân, góp phần ổn định mức sống và nâng cao chất lượng dân số các phường ven biển.

Truyền thông cho thanh niên miền biển về kế hoạch hóa gia đình.
Truyền thông cho thanh niên miền biển về kế hoạch hóa gia đình.

Việc triển khai thực hiện Đề án 52 tại 18 phường ven biển đã góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Các ngư dân miền biển vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng được hưởng lợi. Đề án không chỉ hướng tới mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, tỷ lệ nạo phá thai… Chất lượng dân số, nguồn nhân lực được cải thiện, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, năm 2012, hơn 18.667 lượt phụ nữ được cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), khám phụ khoa cho 11.257 phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Ngoài ra, Đề án còn xây dựng thành công các mô hình tư vấn về chăm sóc SKSS của 18 CLB cho nhóm đối tượng 15-24 tuổi và bà mẹ mang thai, xây dựng CLB Nam ngư dân tạo điều kiện cho nam giới nhận thức đúng đắn hơn về chăm sóc SKSS và KHHGĐ.  

Bà Hồ Đàm Như Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn phường có tỷ suất sinh thô đạt 17%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 5,8%; CLB Nam ngư dân được công nhận thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ; tổ chức tư vấn và khám phụ khoa cho hơn 200 lượt phụ nữ, điều trị cho hơn 100 lượt phụ nữ mắc bệnh phụ khoa thông thường; các CLB tổ chức nói chuyện chuyên đề theo định kỳ đã thu hút nhiều bà mẹ mang thai tham gia. Tuy nhiên, theo bà Nga, để người dân thật sự được hưởng lợi từ Đề án 52 thì cần phải tổ chức tuyên truyền thường xuyên, nhất là các nam ngư dân và chú trọng chăm sóc SKSS vị thành niên. Cần phải có lớp tập huấn thường xuyên cho cộng tác viên, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân sẽ được thực hiện tốt hơn.

Đối với phường Thọ Quang, bà Lê Thị Thu Huệ, cán bộ chuyên trách dân số, cho rằng để có được thành công về công tác dân số, rất cần sự đồng hành của các cấp, các ngành, đoàn thể cũng như sự ủng hộ của nhân dân đối với công tác DS-KHHGĐ. Để người dân vùng biển hiểu rõ được các biện pháp tránh thai hiện đại thì phải tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” chứ không thể tuyên truyền theo kiểu phong trào. Vì vậy, phường luôn chú trọng công tác tuyên truyền cho các nam ngư dân thường xuyên đi làm biển xa nhà. Truyền thông nhóm cho đối tượng phụ nữ, chú trọng phụ nữ từ 15-24 tuổi chưa kết hôn, kể cả nữ công nhân viên làm việc tại các khu công nghiệp.

Do đặc thù của các phường ven biển nên công tác DS-KHHGĐ gặp phải một số trở ngại nhất định: tâm lý của nhiều gia đình vẫn muốn sinh nhiều con, đặc biệt là con trai để đáp ứng nhân lực lao động; lao động đặc thù nghề biển là nặng nhọc và thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do đó, việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bảo đảm cho người dân được tư vấn đầy đủ và thuận lợi về KHHGĐ và SKSS, làm sao để người dân có ý thức và chủ động quyết định thời điểm sinh con, khoảng cách giữa hai lần sinh trên cơ sở được cung cấp các thông tin và được hưởng các dịch vụ an toàn, thuận tiện, hiệu quả là rất quan trọng.

Một trong những nhân tố quan trọng để nước ta trở thành quốc gia mạnh, giàu từ biển là phải có nguồn dân số chất lượng cao. Công tác dân số vùng biển, ven biển phải thật sự được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược. Dân cư vùng biển sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ tại vùng biển, đảo và ven biển. Xuất phát từ vị trí quan trọng của cư dân biển, những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, người dân biển đảo được chăm sóc tốt, toàn diện về giáo dục, y tế và phát triển kinh tế.

Bài và ảnh: MAI HOA

;
.
.
.
.
.