.
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Phát huy vai trò của nam giới

.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là hoạt động cần thiết cho cả nam lẫn nữ giới. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng các chương trình chăm sóc SKSS và sự tham gia của người dân vẫn còn rất hạn chế.

Điều 17 (Luật Bình đẳng giới) quy định: “Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, SKSS và sử dụng các dịch vụ y tế...”. Tuy nhiên, thực tế việc chăm sóc SKSS gắn liền với chuyện sinh đẻ và thực hiện các biện pháp tránh thai gần như là chuyện riêng của người phụ nữ.

Công nhân khu công nghiệp tham dự buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Công nhân khu công nghiệp tham dự buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tránh thai không chỉ là chuyện của phụ nữ

Chị L. (38 tuổi, ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) đã 3 lần sinh mổ. Do chị không phù hợp với các biện pháp tránh thai có can thiệp bên ngoài nên vợ chồng chị đành tránh thai theo phương pháp tính vòng kinh. Phương pháp này không phải lúc nào cũng chính xác nên chị bị vỡ kế hoạch. Đã 3 lần sinh mổ, việc giữ lại thai theo các bác sĩ sản khoa là rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con nên chị đành phải bỏ thai. Sau lần đó, cộng tác viên dân số khuyên chồng chị dùng biện tránh thai hiện đại như triệt sản, sử dụng bao cao su thay cho vợ “kế hoạch hóa” nhưng chị L kể: “Tôi vừa nói chuyện ấy, anh đã phản đối. Dù biết vợ bị đe dọa tính mạng nếu có thai lần nữa, nhưng việc đi “kế hoạch” thì anh ấy quyết không đi. Anh ấy cho rằng chuyện tránh thai là của mấy bà!”.

Không chỉ có chuyện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) được các ông “khoán trắng” cho vợ, mà ngay cả việc sinh con, sử dụng biện pháp tránh thai nào thì nữ giới vẫn bị lệ thuộc. Không ít chị em phải sinh con theo ý chồng, dù đã quá số con theo quy định. Tỷ lệ nam giới sử dụng bao cao su để phòng tránh thai và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục còn nhiều hạn chế. Khi nam giới gặp vấn đề liên quan đến SKSS thường lo lắng và mặc cảm, e ngại đi khám bởi họ sợ mang tiếng là bản thân có vấn đề, sợ gặp người quen, sợ nhiều người biết về khuyết tật của mình. Các buổi tuyên truyền về SKSS thường chỉ có nữ giới, còn nam giới rất ít chủ động tham gia, bởi họ quan niệm đó là việc của chị em.

Bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS

Chăm sóc SKSS là hoạt động được thực hiện cho cả hai giới. Song, hầu hết các hoạt động chăm sóc SKSS thường nghiêng về nữ giới mà chưa xem trọng việc chăm sóc sức khỏe tình dục nên không chỉ hạn chế trong chăm sóc SKSS bản thân mà còn kém “mặn mà” trong việc hỗ trợ nữ giới thực hiện KHHGĐ. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng bạo lực liên quan đến SKSS, sức khỏe tình dục của nam giới đối với nữ giới.

Nhằm góp phần cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng dân số, trong những năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho người dân về SKSS và cung cấp các dịch vụ SKSS/KHHGĐ, chú trọng đối tượng nam giới thông qua các đề án, dự án như: tư vấn và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, tổ chức các buổi tuyên truyền nói chuyện về bình đẳng giới, chăm sóc SKSS vị thành niên ở các trường THPT trên địa bàn thành phố...

Vận động, khuyến khích nam giới tham gia chăm sóc SKSS/KHHGĐ là một trong những chiến lược của công tác DS-KHHGĐ. Khi nam giới tham gia thực hiện KHHGĐ sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, giảm tình trạng nạo phá thai, hạn chế tình trạng gia tăng dân số; làm giảm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và lây nhiễm HIV/AIDS. Để thực hiện bình đẳng giới và phát huy vai trò của nam giới trong việc thực hiện KHHGĐ, cần có sự phối hợp đồng bộ của các đoàn thể, đồng thời cần tập trung tuyên truyền, tư vấn cho nam giới các vấn đề thiết yếu như: thay đổi tư tưởng sinh đông con, muốn có con trai “để nối dõi tông đường”; khuyến khích nam giới chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, bảo đảm quan hệ tình dục an toàn; vai trò nam giới trong việc chăm sóc và nuôi dạy con.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.