.

Làm gì khi trẻ bị xâm hại?

.

Tình hình trẻ em gái bị xâm hại tình dục (XHTD) có xu hướng tăng và độ tuổi nạn nhân ngày càng trẻ hơn. Trong đó, không ít trường hợp bị xâm hại do tự nguyện và thiếu hiểu biết. Một bộ phận giới trẻ còn tổ chức sống “bầy đàn” nên khó tránh hậu quả bị xâm hại.

Báo cáo từ một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con dưới 16 tuổi vừa diễn ra tại Đà Nẵng cho biết, năm 2011, trên địa bàn thành phố có 19 em gái (từ 13 - 16 tuổi) bị XHTD, năm 2012 có 23 em.

Giúp trẻ tránh bị xâm hại là cách giúp các em chuẩn bị hành trang bước vào tương lai tươi sáng. (Ảnh có tính chất minh họa)                  Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Giúp trẻ tránh bị xâm hại là cách giúp các em chuẩn bị hành trang bước vào tương lai tươi sáng. (Ảnh có tính chất minh họa) Ảnh: NGUYỄN TIẾN

“Chuyện người lớn” ở trẻ em

U. (12 tuổi, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) và H. nảy sinh tình cảm rồi rủ nhau “qua đêm” nhiều lần. Biết chuyện, gia đình U. đã đến báo với cơ quan Công an về hành vi hiếp dâm trẻ em của H. Trung tá Kiều Văn Vương, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Thanh Khê cho biết, gặp U., khó thể đoán được cô bé mới 12 tuổi, bởi trông em khá già dặn về ngoại hình lẫn tính cách. U. là một trong số không ít trẻ em gái hiện nay có xu hướng dậy thì sớm và coi việc “bày tỏ tình yêu” ở tuổi thiếu niên là điều gì đó bình thường.

Tại cơ quan điều tra, chúng tôi còn chứng kiến những gương mặt bé gái non nớt nhưng có thâm niên trong chuyện sống “bầy đàn”. Các em gồm cả nam lẫn nữ rủ nhau thuê nhà sống chung và cùng dính vào các tệ nạn xã hội. Cho đến khi các em bị phát hiện và bắt giữ, gia đình mới ngã ngửa kiểu sống lạ đời của con mình.

Qua tìm hiểu, những người làm công tác điều tra, phòng chống tội phạm nhận thấy có một điểm chung giữa các trường hợp xâm hại trẻ em, đó là nạn nhân không có kỹ năng tự phòng vệ; bên cạnh đó, gia đình các em chủ quan, thiếu sự quan tâm trước những mối nguy hại xung quanh con em mình và khi sự xâm hại đã xảy ra, người lớn cũng không biết phát hiện, xử lý, dẫn đến hậu quả càng nặng nề đối với trẻ. Một số gia đình còn cho rằng chuyện con bị xâm hại là điều đáng xấu hổ, phải giấu nhẹm thay vì cần đến pháp luật đòi lại công bằng cho trẻ.

Trẻ em nghèo có nhiều nguy cơ bị xâm hại

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Thị Xuân Hạ, nguyên giảng viên chính ĐH Kỹ thuật Y dược thành phố cho biết, nhóm trẻ em có nguy cơ cao bị XHTD là trẻ bị xao nhãng, lang thang; trẻ em đường phố, lao động sớm, khuyết tật. Các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại thường chọn trẻ dễ bị tổn thương hoặc yếu thế, không được quan tâm rồi tạo cảm tình, sự tin cậy khiến trẻ cảm thấy được quan tâm đặc biệt…; hoặc chúng lợi dụng sự quen biết hay quyền hạn của mình để khống chế, dụ dỗ trẻ.

Bác sĩ Hồ Thị Xuân Hạ cũng cho biết thêm, nhằm giúp con có kỹ năng phòng ngừa nguy cơ bị xâm hại, cha mẹ cần dạy trẻ biết làm chủ cơ thể mình, tức trẻ có quyền từ chối bất kỳ sự động chạm nào; đồng thời cần giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của các kiểu đụng chạm khác nhau. Trong trường hợp trẻ đã bị xâm hại thể hiện qua các dấu hiệu có vết bẩn, chảy máu hoặc có tiết dịch ở vùng sinh dục, hậu môn hoặc miệng; đau dai dẳng, tái đi tái lại thì gia đình không nên trừng phạt, đổ lỗi cho trẻ hoặc dằn vặt bản thân mình trước mặt trẻ. Điều cần làm là ngay lập tức phải đưa trẻ đi khám, điều trị về thể xác, tâm lý. Đặc biệt, không thỏa hiệp với thủ phạm và hành vi phạm tội.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.