.
Câu chuyện dân số

Thế hệ con cưng

Thành tựu giảm sinh của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đi liền với thực trạng mô hình gia đình ngày càng giống một số nước láng giềng với tỷ lệ 4-2-1 hoặc 4-2-2, tức 4 ông bà nội ngoại, 2 cha mẹ tập trung lo cho 1, 2 đứa trẻ. Đại đa số các gia đình hiện nay đều sinh từ 1-2 con, cùng với việc phát triển vượt bậc về điều kiện chăm sóc trẻ em, trong xã hội hiện tại đang hình thành một thế hệ gọi là “con cưng”.

Công tác dân số từ lâu vẫn được nhiều người hiểu là thực hiện chính sách giảm sinh. Đà Nẵng là địa phương hoàn thành rất tốt mục tiêu kiềm chế sự bùng phát dân số. Trung bình mỗi năm, mức sinh của thành phố giảm 0,41‰. Phụ nữ Đà Nẵng cũng ngày càng “lười” sinh con hơn khi tại thời điểm năm 2001, trung bình một phụ nữ sinh 2,76 con, đặc biệt đến năm 2008 giảm xuống còn 1,94 con, thấp hơn mức sinh thay thế. Chỉ riêng so sánh với cùng kỳ năm ngoái, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số trẻ sinh ra là 6.341, giảm 690 trẻ (9,81%). Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm đều qua các năm. Năm nay, dự báo số trẻ sinh ba trở lên cũng giảm so với năm 2012.

Khẩu hiệu “Dừng lại ở một đến hai con để nuôi dạy cho tốt” giờ đây đã không đơn thuần là lời tuyên truyền cổ động mà trở thành “châm ngôn” của nhà nhà, nhất là đối với các gia đình trẻ. Ở thành thị hoặc khu vực có điều kiện kinh tế tương đối khá, trẻ em gần như khó hình dung về khái niệm “ăn no, mặc ấm”, bởi từ lúc mới lọt lòng các em đã được “ăn ngon, mặc đẹp”. Việc vui chơi, học hành, chăm sóc sức khỏe, v.v… của trẻ được tăng lên một cách rõ rệt và càng dễ cảm nhận mặt tích cực này trong vài năm trở lại đây.

Ít con nên cha mẹ cưng chiều và dồn toàn tâm toàn ý lo cho con. Nhưng mặt trái của sự quan tâm quá mức là rất nhiều trẻ em mất khả năng tự lập. Không ít trẻ em ở thành phố ngày nay đến khi lên cấp 2 vẫn còn được cha mẹ đút cơm mới chịu ăn, hay gần đủ tuổi… cưới vợ theo quy định của pháp luật nhưng đi tới trường vẫn được ba mẹ đưa đón không rời nửa bước. Thanh niên Việt Nam bước chân vào đại học vẫn lơ ngơ khi một mình sắp xếp chỗ ở, thời gian biểu, làm quen với các mối quan hệ trong môi trường mới. Một đứa trẻ có thể được gia đình bảo bọc từng li từng tí cho đến tuổi trưởng thành không còn là hiện tượng hiếm gặp, thậm chí đã trở nên phổ biến.

Đôi khi sự cưng chiều thái quá còn khiến những đứa trẻ giống “ông trời con”. Cách đây vài ngày, tại một bệnh viện, một cán bộ vừa viết giấy chuyển viện vừa cho biết: “Bé này bị sốt siêu vi nhưng chúng tôi phải chấp nhận chuyển lên tuyến trên vì sợ phản ứng dữ dội từ bố cháu. Quý thằng con trai cưng nên lần nào cũng vậy, hễ bé có chuyện vào đây là ông ở nhà gọi điện thoại hỏi vợ đã làm các kiểm tra chưa, có kết quả xét nghiệm chưa, nếu chưa có, lập tức người đàn ông này gọi vào đường dây nóng chửi bới bác sĩ và đến thẳng bệnh viện gây ồn ào. Lần này, bé bị sốt siêu vi thì không thể hạ sốt ngay được, vậy là như mọi lần, cha bé lại chửi mắng chúng tôi...”.

Rất nhiều phụ huynh than rằng con cái của họ còn vụng về trước những công việc tưởng thừa sức với độ tuổi của cháu. Nhưng khi đặt vấn đề gặp các công việc nằm trong tầm tay con, liệu cha mẹ có mạnh dạn để con thử sức, đa số câu trả lời là: “Biết vậy nhưng người lớn làm mới yên tâm, sợ con đụng vào lỡ có sự cố đáng tiếc nào thì ân hận. Mình ít con nên bảo đảm sự an toàn của con là trên hết”.

THU HOA
 

;
.
.
.
.
.